|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất nhiều nơi tại Thanh Hóa đã tăng gấp ba nhờ những siêu dự án nào?

09:50 | 27/05/2021
Chia sẻ
Không nằm ngoài guồng quay của cơn sốt đất cục bộ đầu năm, thị trường bất động sản Thanh Hóa cũng chứng tỏ sức nóng hầm hập. Giá đất nền nhiều nơi tại địa phương này thời gian gần đây ghi nhận tăng gấp đôi, gấp ba so với cuối năm 2020.

Siêu dự án độ bổ

Siêu dự án đổ bộ, giá đất nhiều nơi tại Thanh Hóa tăng gấp ba - Ảnh 1.

Tuy là thị trường đi sau nhưng bất động sản Thanh Hóa ngày càng nóng nhờ sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn. (Ảnh: Báo Thanh Hóa).

Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch,... Ngoài ra, địa phương này cũng định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng của khu vực miền Bắc.

Trong quý I/2021, tỉnh đã thu hút được 28 dự án đầu tư trực tiếp (4 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.621 tỷ đồng và 19,5 triệu USD; một doanh nghiệp mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trị giá 10,5 triệu USD.

Song, không phải đến bây giờ, mảnh đất xứ Thanh này mới được giới đầu tư quan tâm. Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa thu hút được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn, nhỏ tìm đến như Vingroup, FLC, Sun Group, TNG Holdings, Eurowindow, Flamingo,...

Trong đó, một trong những "ông lớn" ở hữu quỹ đất lên tới hàng nghìn chục nghìn ha phải kể đến Sun Group. Một số dự án lớn của doanh nghiệp này gồm: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh (hơn 16.000 ha), Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (hơn 1.260 ha), Khu đô thị Đông Nam (1.500 ha),...

Tập đoàn Vingroup có dự án Vincom Thanh Hóa (gần 4 ha), Vinhomes Star City (120 ha). Tập đoàn FLC có Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort (300 ha), KĐT du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn 117 ha). Tập đoàn Flamingo có Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) quy mô hơn 400 ha,...

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, Thanh Hóa cũng đang trở thành đích ngắm của nhiều tập đoàn nước ngoài.

Mới đây, Tập đoàn Foxconn cũng đã chấm ba địa điểm để đặt nhà máy tỷ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple , bao gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu công nghiệp tại huyện Thiệu Hóa.

Trong năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa và Công Ty TNHH AEON Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall vốn đầu tư là 190 triệu USD.

Ngoài ra, địa phương này đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) về việc đầu tư hai dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Dự án đầu tiên là xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 21 quy mô 539 ha, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn. Dự án 2 là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800 ha tại huyện Hoằng Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư cả hai dự án khoảng 335 triệu USD.

Song song với đó, Thanh Hoá cũng chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quy hoạch đô thị. Giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này đặt mục tiêu thu hút 48 dự án theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 68.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 9 dự án.

Giá đất nhiều nơi tăng gấp đôi, gấp ba

Siêu dự án đổ bộ, giá đất nhiều nơi tại Thanh Hóa tăng gấp ba - Ảnh 2.

Nhiều khu vực tại Thanh Hóa có hiện tượng sốt đất ảo. (Nguồn: thanhhoa.gov.vn).

Mặc dù là thị trường đi sau nhưng bất động sản Thanh Hóa được đánh giá là phát triển không kém phần sôi động so với một số thị trường truyền thống. Thời điểm năm 2019, Thanh Hóa xuất hiện rất nhiều dự án mới, trong đó có rất nhiều các dự án đấu giá đất nền.

Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), các dự án này ra đến đâu hết hàng đến đấy, tỷ lệ hấp thụ cao (khoảng 70%).

Năm 2021, địa phương này tiếp tục phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất cho 864 dự án với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.676,2 ha. Trong đó, tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 748,23 ha. Không loại trừ khả năng, những dự án này sẽ tiếp tục tạo nên một "cơn sốt" cho thị trường bất động sản Thanh Hóa trong thời gian tới.

Còn nhớ hồi đầu tháng 4/2021, tại xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân), địa phương này tổ chức 2 đợt đấu giá tổng 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao.

Trong đó, đợt đấu giá lần thứ nhất với 23 lô có tới hơn 1.000 hồ sơ của hơn 400 người tham gia đấu giá. Đợt đấu giá lần thứ 2 với 23 lô có hơn 300 hồ sơ của hơn 100 người tham gia đấu giá. Song, chỉ 8 người trúng đấu giá 46 lô đất và đều là người ở xa đến.

Giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô nhưng được đấu lên mức từ 1 tỷ đồng đến hơn 1,4 tỷ đồng/lô.

Nhìn lại thời điểm ngay sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Trong đó phải kể đến khu vực dự án khu du lịch Bến En, huyện Như Thanh.

Theo khảo sát của VARs, từ đầu tháng 3/2021, giá đất nền nhiều nơi tại Thanh Hoá đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Còn giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động trong khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của Nhà nước.

Trước tình trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản chấn chỉnh tình trạng thổi giá gây sốt ảo. Đến nay, cơn sốt đất trên địa bàn tỉnh đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại. Ở một số điểm nóng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như trước.

Công Tâm

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.