|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Kẽ hở góp phần thổi bùng cơn sốt đất ảo tại các địa phương

14:07 | 15/07/2022
Chia sẻ
Theo Bộ Xây dựng, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền trong thời gian qua còn có một số tồn tại, bất cập.

 Nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021 vừa qua, một số địa phương, có hiện tượng hoạt động phân lô, bán nền, tung tin, đồn thổi, nhiễu loạn thị trường để trục lợi thiếu kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Xây dựng, việc chia, tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. 

Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 (Điều 143, Điều 144) chỉ cho phép "UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị" và đã không cho phép tách thửa đối với "từng loại đất" hoặc các loại "đất nông nghiệp hoặc đất khác không phải là đất ở".

Cụ thể, tại Điều 143 của Luật Đất đai đã quy định chặt chẽ các căn cứ để tách thửa đất ở tại nông thôn như: Căn cứ vào quỹ đất của địa phương; căn cứ vào quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.

Điều 144 của Luật Đất đai cũng quy định chặt chẽ các căn cứ để tách thửa đất ở tại đô thị như: Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất; căn cứ quy hoạch xây dựng đô thị; căn cứ quỹ đất của địa phương; hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.

Trong khi đó, một số Nghị định khác cũng đã quy định về trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất; diện tích tối thiểu được tách thửa, theo đó UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

"Theo đó, việc phân lô, bán nền quyền sử dụng đất đã giúp cho người dân có điều kiện cải thiện nhà ở qua đó cũng góp phần tạo nên sự đa dạng cho các sản phẩm bất động sản và góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản", Bộ Xây dựng cho biết.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, các quy định chia, tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất của pháp luật về đất đai cũng đã bộc lộ những hạn chế như: Nghị định số 43 đã không có quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất; chỉ quy định trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất.

Đến năm 2017, Nghị định 01/2017 mới bổ sung Điều 43d Nghị định 43 cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất. Sau đó, Nghị định 148/2020/NĐ-CP mới bổ sung Điều 75a Nghị định 43/2014/NĐ-CP giao cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Bộ Xây dựng nhận định, hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền trong thời gian qua còn có một số tồn tại, bất cập. Điều này cho thấy một số địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có nơi, có lúc còn tùy tiện.

Cũng theo Bộ này, việc thực hiện chia, tách thửa đất đối với các loại đất bao gồm cả đất nông nghiệp, đất khác không phải là đất ở, cộng thêm công tác quản lý Nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa thật hiệu quả (nhất là ở cấp cơ sở).

"Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng để hô biến các lô đất nông nghiệp, phân lô bán nền tràn lan, gây ra các cơn "sốt ảo" giá đất, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tác động xấu đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản", Bộ Xây dựng nêu rõ.

Trước đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã nêu vấn đề san ủi đất đai, phân lô bán nền để sang nhượng trái phép diễn ra tại nhiều địa phương.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định có tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, đồi núi ở các địa phương. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lợi nhuận lớn từ chiếm dụng đất đai, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích; có sự yếu kém trong quản lý của chính quyền các địa phương, công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch cũng chưa được đúng và chưa được kiểm tra, giám sát; các quy hoạch chuyên ngành của địa phương cũng không liên thông và thống nhất, đồng bộ,...

Công Tâm

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.