|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt rộng đường thâm nhập vào EU nhờ EVFTA, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 2020

14:00 | 02/09/2020
Chia sẻ
Ngay trong tháng 8/2020, sau khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.

Gạo xuất khẩu sang EU bắt đầu hưởng lợi về giá

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cũng như kết quả khả quan cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Âu (EU).

Theo đó, chỉ mới thực thi chưa đầy một tháng nhưng những tác động tích cực của Hiệp định này đến ngành gạo xuất khẩu trong những ngày qua được doanh nghiệp đánh giá rất khả quan. 

Điển hình là trường hợp của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Chia sẻ với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty cho biết lô hàng 3.000 tấn đầu tiên của công ty đã được kí kết với đối tác nhập khẩu Đức sau khi EVFTA có hiệu lực.

Theo ông Bình, hai chủng loại gạo thơm được Trung An xuất khẩu lần này là gạo ST20 và Jasmine. Đáng mừng hơn, do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với thời điểm trước. 

Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi thời điểm trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn.

"Trước đây một tấn gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với giá 800 USD cộng với các chi phí và thuế nhập khẩu thì các nhà phân phối phải bán thấp nhất 1.300 USD mới có lợi nhuận, điều này giảm đi đáng kể sức cạnh tranh của gạo Việt.

Do đó, khi thuế suất giảm về 0%, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ giảm tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường châu Âu với các quốc gia xuất khẩu gạo khác", ông Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Makerting Công ty Vrice International, cho biết doanh nghiệp của ông cũng ghi nhận giá xuất khẩu gạo vào EU tốt hơn so với tháng trước, khoảng 700 USD/tấn gạo thơm cao hơn 15% so với thời điểm trước. 

Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng từ các đối tác châu Âu cũng tăng nhiều hơn so với các tháng trước đó.

“Ngoài việc được hưởng lợi thế về thuế xuất, ngành gạo Việt Nam còn được lợi từ những yếu tố khác. Cụ thể là hình ảnh hạt gạo Việt Nam sẽ được các nước khác đánh giá tốt hơn bởi EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, qui tắc xuất xứ…", lãnh đạo một doanh nghiệp gạo cho biết.

Gạo Việt rộng đường thâm nhập mạnh mẽ vào EU nhờ EVFTA - Ảnh 1.

Gạo Việt sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nhờ EVFTA. (Ảnh: Như Huỳnh).

Về cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gạo nhờ EVFTA, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết vừa hoàn tất chuyến đi thăm và làm việc tại 9/12 kho hàng nhập khẩu thực phẩm châu Á lớn nhất Thụy Điển tại các thành phố Stockholm, Goteborg, Malmo, và Helsingborg.

Theo thương vụ, gần như gạo Việt Nam vắng bóng trong các cửa hàng, siêu thị bán lẻ. Theo số liệu thống kê của ITC, trong giai đoạn 2015-2018, kim ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam vào Thụy Điển chỉ đạt trung bình 100.000 USD/năm. Các mặt hàng thực phẩm khác đều nhập khẩu với kim ngạch không đáng kể.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, tận dụng lợi thế khi gạo Campuchia bị áp thuế tạm thời trong vòng 3 năm, các doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch sang nhập khẩu gạo Việt Nam thay thế gạo Campuchia.

Hiện gạo Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị lớn như Willy, Ax Food, và hầu hết các cửa hàng thực phẩm châu Á . Dự kiến với mức hạn ngạch thuế quan mà EU dành cho gạo Việt Nam theo cam kết EVFTA, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thụy Điển sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Tăng cơ hội cạnh tranh với các đối thủ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU còn đang ở mức thấp, đạt khoảng 20.000 tấn, trị giá đạt 10,7 triệu USD năm 2019, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU trong khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong danh mục các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam không có tên các nước thành viên EU, mà chỉ có Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines, và một số thị trường Châu Phi như Bờ Biển Ngà… Có thể thấy, dù là quốc gia xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, nhưng hạt gạo Việt vẫn còn vắng bóng tại EU.

Về nguyên tắc, Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu gạo sang EU, nhưng do thuế suất nhập khẩu gạo vào EU cao nên sẽ khó cạnh tranh.

Do đó, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho gạo Việt, khi dành lượng hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn mỗi năm, lượng gạo trong phạm vi này được hưởng thuế suất 0%, tức là dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan.

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt trên 4 triệu tấn, thu về 1,95 tỉ USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 13,1% về kim ngạch so với cùng kì 2019.

Hiện Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% thị phần. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã vượt qua Thái Lan.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), theo cam kết từ EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. 

Theo đó, với việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Đáng chú ý, nhờ xuất khẩu tích cực, việc thu mua lúa tại nội địa cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày qua cũng được ghi nhận luôn giữ ở mức cao.

Hiện lúa tươi Jasmine đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; giá lúa IR 504 ở mức 6.000 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.300 đồng/kg… Trong khi thời điểm giữa tháng 7/2020 giá lúa Jasmine là 6.000 đồng/kg; IR 504 là 5.200 đồng/kg; lúa đài thơm 8 có giá 5.900 đồng/kg…

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam cuối tuần qua tiếp tục tăng 5 USD/tấn so với tuần trước đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt mức 488 - 492 USD/tấn, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 8 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam 463 - 467 USD/tấn thấp hơn gạo của Thái Lan 4 USD/tấn.

Tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 120 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 95 USD/tấn và cao hơn gạo Myanmar 45 USD/tấn.

Vẫn còn nhiều thứ phải làm để gạo Việt đứng vững tại EU

Mặc dù EVFTA đã mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành gạo Việt Nam, tuy nhiên theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để khai thác tích cực hiệu quả của hiệp định này thì còn rất nhiều thứ phải làm. 

Theo đó, loại gạo ST20 có giá xuất khẩu 1.000 USD/tấn là loại gạo thơm, dẻo có lượng đường cao trong khi thị trường châu Âu không chuộng đặc tính này.

Với loại gạo Jasmine là dòng gạo thơm, với điều kiện thổ nhưỡng tốt thì chất lượng luôn được chấp nhận - bởi đây là giống chuẩn của USDA. Tuy nhiên gạo Jasmine trồng ở Việt Nam hiện nay đang bị dư lượng phân bón và hoá chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phạm Thái Bình chia sẻ thêm, so với các thị trường nhập khẩu khác, thói quen tiêu dùng của thị trường châu Âu là chấp nhận nhập khẩu gạo với mức giá cao nhưng sản phẩm phải được đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các giá trị dinh dưỡng và các tiêu chuẩn khác được đặt lên hàng đầu.  

Do đó, chỉ cần không đạt được được các tiêu chuẩn do EU ban hành về xuất xứ hàng hóa, điều kiện kho bãi, điều kiện môi trường, điều kiện về vệ sinh anh toàn thực phẩm, hàng hóa sẽ không thể vào được thị trường EU. 

"Tệ hơn, khi lô hàng đã nhập cảng bên EU, bạn hàng kiểm tra hàng hóa thấy không đúng với hợp đồng đã kí thì sẽ bị trả lại toàn bộ số lô hàng đã xuất và chịu thêm các chi phí phát sinh khác.

Với việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đa số có thói quen chỉ tập trung vào lượng xuất khẩu, không tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc hay xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khả năng thâm nhập thành công EU là vô cùng khó khăn và mất thời gian để chuẩn bị", đại diện Công ty Trung An cho biết.

Gạo Việt rộng đường thâm nhập mạnh mẽ vào EU nhờ EVFTA - Ảnh 3.

Để trụ vững tại các thị trường khó tính, đổi lại gạo Việt phải đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và nhiều tiêu chuẩn khác. (Ảnh: Như Huỳnh).

Chia sẻ về giải pháp tận dụng tối đa lợi thế từ Hiệp định EVFTA cũng như khẳng định được chất lượng của gạo Việt, đại diện doanh nghiệp Trung An cho biết công ty đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo. 

Đến nay, Trung An đã phát triển được 30.000 ha diện tích cánh đồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lí chất lượng của mình. Đặc biệt hơn, doanh nghiệp đang dành riêng 800 ha tại Kiên Giang phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ để đáp ứng khách hàng đặc biệt khó tính về chất lượng (100% tự nhiên không phân thuốc bảo vệ thực vật).

"100 ha tại khu vực này đã được cấp chứng chỉ Organic của Mỹ và EU, đủ điều kiện để xuất khẩu vào các thị trường đặc biệt khó tính. Tùy theo nhu cầu thực tế và khả năng phát triển thị trường của doanh nghiệp, diện tích organic sẽ được mở rộng trên 700 ha còn lại", ông Bình chia sẻ. 

Ở góc độ chuyên gia, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng gạo Việt Nam sau khi đoạt giải gạo ngon nhất thế giới đã tăng được uy tín thương hiệu với người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới nên họ tăng mua gạo nước ta.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của gạo Việt Nam hiện nay là thiếu chính sách hỗ trợ quảng bá thương hiệu gạo ra thế giới. Ví dụ, gạo ST25 của nước ta đoạt giải gạo ngon nhất thế giới thực sự là cơ hội rất tốt để làm thương hiệu, quảng bá với các thị trường và tạo được mức giá riêng cho loại gạo ngon của Việt Nam.

Do đó, các Bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh nhân giống lúa ST25, gia tăng sản lượng, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá loại gạo ngon này đến từng thị trường mà mình sẽ khai thác như Mỹ, EU… 

"Chúng ta nên qui hoạch những vùng trồng lúa chất lượng cao với qui mô lớn và sản xuất theo tiêu chuẩn mà những thị trường khó tính như EU, Mỹ… đề ra để ngành gạo phát triển bền vững hơn", GS. Xuân đề xuất.

Như Huỳnh