|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đột biến doanh thu, DN xuất khẩu gạo báo lãi tăng 31 lần trong quí II

19:30 | 26/08/2020
Chia sẻ
Mặc dù nhận định COVID-19 là một trong những khó khăn lớn của ngành hàng xuất khẩu gạo nói chung và CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) nói riêng nhưng thực tế doanh nghiệp lại đang "hưởng lợi" khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.

Báo cáo tài chính quí II/2020 của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho thấy doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng vọt so với cùng kì năm ngoái trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều phức tạp.

Cụ thể, doanh thu thuần quí II đạt hơn 906,3 tỉ đồng, tăng gần 98,5% so với quí II năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32,1 tỉ đồng, gấp 32 lần so với con số lợi nhuận chỉ hơn 1 tỉ đồng của cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 1.560 tỉ đồng, tăng hơn 93,3% so với cùng kì, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 68 tỉ đồng, gấp 4,5 lần so với con số 15 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỉ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kì năm ngoái.

Như vậy, sau nửa năm, TAR đã thực hiện được hơn 44,5% mục tiêu doanh thu của năm nay (3.500 tỉ đồng) và gần 61% mục tiêu lợi nhuận cả năm (105 tỉ đồng).

Doanh thu tăng tăng đột biến, TAR báo lãi quí II tăng đến 32 lần trong quí II - Ảnh 1.

Doanh thu của TAR tăng trưởng liên tục từ quí I/2019 đến quí II/2020. Nguồn: BCTC TAR. Tổng hợp: P.D

Tại ĐHĐCĐ thuờng niên được tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo tháng 4/2020 đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã làm mất cơ hội bứt phá cho gạo Việt Nam.

Cùng với việc dịch chuyển nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Thái Lan do việc ngưng xuất khẩu gạo hồi tháng 4/2020 khiến các doanh nghiệp gạo phải đàm phán lại với nhiều đối tác xuất khẩu và sự cạnh tranh gay gắt về giá từ sản phẩm lúa gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia,...là những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối diện trong thời gian qua.

Tuy nhiên ngành hàng xuất khẩu chủ lực này vẫn có những lợi thế riêng để thực hiện mục tiêu xuất khẩu.

Điển hình là việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào trong sản xuất đang được Nhà nước quan tâm với những chính sách hỗ trợ ưu tiên, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo phát triển công nghệ, tạo tiền đề cho việc phát triển mô hình "cánh đồng lớn" vào sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.

Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất gạo lớn đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường gạo thế giới Đơn cử như năm 2019, 80% kim ngạch xuất khẩu lúa gạo là hàng chất lượng cao.

Theo đó, ban lãnh đạo Công ty Trung An thống nhất kế hoạch phát triển năm nay của công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường gạo xuất khẩu hướng tới các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc với tỉ suất biên lợi nhuận cao hơn. 

Đồng thời hoàn thiện qui trình quản lí sản xuất, lưu kho đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường này.

Song song đó là đẩy mạnh phát triển thị trường gạo nội địa, đặc biệt là thị trường phân khúc gạo cao gấp, như gạo hữu cơ – vùng nguyên liệu 800 ha, gạo sạch – vùng nguyên liệu liên kết hộ nông dân.

"Công ty sẽ phát triển đẩy mạnh bán lẻ xuất khẩu, đưa thương hiệu gạo sạch Trung An lên các kệ hàng tại các siêu thị ở các nước phát triển. Các thị trường đầu tiên công ty dự định phát triển là thị trường Ukraina, thị trường Đức, thị trường Australia, thị trường Mỹ. Việc lựa chọn các thị trường này sau khi công ty đã nghiên cứu nhu cầu tập khách hàng tại các thị trường", ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tiền thân là Công ty TNHH Trung An. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gia công chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo. 

TAR có tổng diện tích vùng nguyên liệu được giao là 50.000 ha phân bổ tại các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Đồng Tháp. 

Ngoài ra, công ty có 6 nhà máy tổng diện tích 60.000 m2, sức chứa đạt 90.000 tấn gạo phân bổ tại thành phố Cần Thơ với qui mô sản xuất 360.000 tấn gạo/năm xuất khẩu đi các thị trường chính như Trung Quốc và Malaysia. Tại nội địa, sản phẩm của Trung An được phân phối theo mạng lưới tiêu thụ từ siêu thị, đại lí đến cửa hàng bán lẻ.

P. Dương