EVFTA ngành rau quả: Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU
Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ EVFTA
Theo Cẩm nang doanh nghiệp "EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam" do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) biên soạn, Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) EVFTA có mẫu EUR.1, theo quy định trong EVFTA, mẫu này áp dụng chung cho cả hàng hóa xuất khẩu từ EU và Việt Nam.
Tuy nhiên, do EU không áp dụng cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền mà áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ bởi nhà xuất khẩu có đăng ký (hệ thống REX), mẫu EUR.1 trên thực tế chỉ áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam đi EU, Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết.
Mẫu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VII, Nghị định thư 1 EVFTA. Thông tin khai báo trên mẫu EUR.1 được cho là đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết:
Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo trên C/O mẫu EUR.1 (ví dụ nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại…)
Một số thông tin không bắt buộc thể hiện trên mẫu EUR.1 (như tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa…). Đây là một điểm khác so với các mẫu C/O theo các FTA khác của Việt Nam (các FTA này đều yêu cầu khai mã HS và tiêu chí xuất xứ của hàng hóa)
Thời hạn hiệu lực của C/O EUR.1 là 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Thời điểm cấp C/O mẫu EUR.1
Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 sớm nhất có thể từ ngày xuất khẩu hàng hóa (ngày tàu chạy theo kê khai) và không quá ba ngày làm việc kể từ sau ngày này.
Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể được cấp sau khi xuất khẩu nhưng chỉ trong một số trường hợp như quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định thư. Giấy này có thể được cấp lại trong trường hợp bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng.
Thời điểm nộp C/O
EVFTA không có quy định cụ thể về thời điểm nộp C/O EVFTA, mà cho phép từng Bên (Việt Nam/EU) quy định phụ hợp theo pháp luật của mình. Trên thực tế:
Đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam: theo quy định hiện hành của Việt Nam (Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính), thời điểm nộp C/O của hàng hóa nhập khẩu từ một nước có thỏa thuận ưu đãi thuế quan với Việt Nam là tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, và có thể nộp muộn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU: EU cho phép nộp C/O cho cơ quan hải quan của EU để hưởng ưu đãi thuế quan sau thời điểm nhập khẩu hàng hóa vào EU. Theo thông tin từ phía EU thì thời hạn cho phép nộp sau này ít nhất là 2 năm.
Lưu ý cho doanh nghiệp
C/O mẫu EUR.1 có những nội dung khá quen thuộc và đơn giản hơn so với Mẫu C/O trong các FTA trước đây. Mặc dù vậy, nội dung của Mẫu này trong EVFTA vẫn có những điểm khác biệt đáng chú ý so với các FTA Việt Nam từng ký kết khác.
Các nội dung này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các loại giấy tờ mà doanh nghiệp cần cung cấp hoặc thông tin khai báo.
Hiện các cam kết EVFTA về các vấn đề này đã được nội luật hóa và hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 11/2020/TT-BCT về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
Doanh nghiệp xuất khẩu muốn hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA cần tra cứu kỹ Thông tư này để biết QTXX từng mặt hàng và hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý C/O mẫu EUR.1 có thể được cấp sau thời điểm xuất khẩu từ Việt Nam và nộp sau thời điểm nhập khẩu vào EU.
Vì vậy, trong trường hợp hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng được QTXX của EVFTA nhưng vì lý do chính đáng nào đó mà chưa kịp xin C/O mẫu EUR.1 tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thì vẫn có thể xin cấp C/O này sau thời điểm hàng hóa đã xuất khẩu sang EU.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể nộp muộn C/O mẫu EUR.1 cho cơ quan hải quan EU sau khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường này để xin hồi tố thuế quan ưu đãi EVFTA mà trước đó vì chưa có C/O mẫu EUR.1 nên chưa được hưởng ưu đãi thuế.
Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây