EVFTA ngành rau quả: Cam kết về các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp
Theo Cẩm nang doanh nghiệp "EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam" do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) biên soạn, chống bán phá giá (anti-dumping) và chống trợ cấp (anti-subsidy, hoặc còn được gọi là biện pháp đối kháng "countervailing") là các biện pháp được quy định trong WTO, cho phép nước nhập khẩu được thực hiện để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, bán hàng hóa được trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Từ trước đến nay, các sản phẩm rau quả không phải là đối tượng thường xuyên bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng ở nhiều nước, và các biện pháp thuế quan được cắt giảm theo các FTA khiến các ngành sản xuất nội địa tăng cường tìm đến các biện pháp phi thuế quan như các biện pháp phòng vệ thương mại, thì nguy cơ các sản phẩm rau quả bị điều tra và áp dụng các biện pháp này có thể gia.
Các cam kết EVFTA về chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng chung đối với tất cả loại hàng hóa, trong đó có rau quả. So với WTO, EVFTA có một số cam kết riêng về chống bán phá giá và chống trợ cấp trong đó đáng chú ý là:
Các cam kết mới về quy trình, thủ tục tiến hành các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp
EVFTA yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp của EU và Việt Nam trong các vụ việc liên quan tới hàng hóa của nhau phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Công khai thông tin: tất cả thông tin và dữ liệu tham khảo cần thiết được sử dụng để đưa ra quyết định phải được công khai ngay sau khi tiến hành áp dụng biện pháp tạm thời và trong mọi trường hợp trước khi ra kết luận cuối cùng. Việc công khai phải bằng văn bản, và phải cho các bên liên quan một khoảng thời gian hợp lý để đưa ra ý kiến bình luận với các nội dung liên quan
Cơ hội bình luận: Các bên liên quan tới vụ việc phải được có cơ hội thể hiện quan điểm của mình trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại (với điều kiện không làm chậm trễ bất hợp lý quá trình điều tra)
Thống nhất ngôn ngữ: Tiếng Anh được lựa chọn là ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình trao đổi thông tin giữa Việt Nam và EU trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại.
Các cam kết mới về mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp
Theo WTO, khi xác định mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, nước nhập khẩu có thể lựa chọn áp dụng mức như biên độ phá giá/trợ cấp hoặc mức thấp hơn biên độ phá giá/trợ cấp.
Như vậy, mức thuế cao nhất có thể áp dụng là mức bằng với biên độ phá giá/trợ cấp, nhưng WTO khuyến nghị các nước "không nên cứng nhắc" và "nên" áp dụng mức thuế thấp hơn nếu mức đó đã đủ để loại bỏ thiệt hại của ngành sản xuất nội địa (thường gọi là quy tắc "mức thuế thấp hơn" – "lesser duty").
Hiện các nước có cách lựa chọn khác nhau. Ví dụ, Mỹ luôn áp dụng mức thuế bằng biên độ phá giá/trợ cấp; EU thì chọn mức nào thấp hơn trong hai biên độ - biên độ phá giá và biên độ thiệt hại.
EVFTA không có quy định khác về vấn đề này so với WTO nhưng nhấn mạnh hơn nghĩa vụ xem xét áp dụng "lesser duty". Thay vì chỉ là khuyến nghị như WTO, EVFTA đòi hỏi Việt Nam và EU "nỗ lực bảo đảm" áp dụng quy tắc này.
Trên thực tế, Việt Nam trước nay đều quy định như WTO, theo đó:
Không áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp ở mức vượt quá biên độ phá giá/trợ cấp được xác định trong kết luận chính thức của Cơ quan điều tra;
Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất nội địa Việt Nam;
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện đang để ngỏ khả năng cho phép áp dụng mức thuế thấp hơn biên độ phá giá/trợ cấp nhưng không nhấn mạnh việc áp dụng này...
Còn EU thì đã và đang áp dụng nguyên tắc "mức thuế thấp hơn" này trong pháp luật của mình một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, dù là EU hay Việt Nam thì trước EVFTA, quy tắc "mức thuế thấp hơn" là quy định mà EU và Việt Nam áp dụng tự nguyện, có thể thay đổi nếu muốn (do WTO không bắt buộc nguyên tắc này).
Với cam kết trong EVFTA, khi Hiệp định này có hiệu lực, ngay cả khi Việt Nam hoặc EU quyết định dừng quy định hiện tại về áp dụng "lesser duty rules", đối với các vụ việc chống bán phá giá/chống trợ cấp với hàng hóa EU, Việt Nam vẫn phải nỗ lực bảo đảm sử dụng quy tắc này và với EU cũng vậy.
Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây.