|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số tăng mạnh nhưng không đủ nguyên liệu sản xuất, Uniqlo cân nhắc tăng giá một số sản phẩm

14:03 | 14/01/2022
Chia sẻ
Các nhà sản xuất may mặc như Uniqlo có thể gặp khó do giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng. Điều này dẫn đến việc hãng thời trang Nhật Bản đang cân nhắc tăng giá sản phẩm.

Chủ sở hữu thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo, tập đoàn Fast Retailing, đã báo cáo mức lãi ròng kỷ lục 93,5 tỷ yên (816 triệu USD) cho quý tài chính đầu tiên năm 2022 kết thúc vào tháng 11, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ doanh số bán hàng tăng nhanh ở khu vực Đông Nam Á, theo Asia Nikkei.

Nhà sản xuất quần áo nổi tiếng của Nhật Bản đã công bố doanh thu hợp nhất đạt 627,3 tỷ yên trong kỳ, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra.

Kết quả này gây bất ngờ cho các nhà đầu tư từng lo lắng khi chứng kiến doanh số bán hàng tại Nhật Bản của Fast Retailing giảm, cũng như tác động tiêu cực mà COVID-19 gây ra đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn tại Trung Quốc. 

Trước khi công bố kết quả, giá cổ phiếu Fast Retailing đã giảm 3% trong phiên giao dịch buổi sáng 13/1, dừng ở mức 58.500 yên/cổ phiếu. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, giá cổ phiếu công ty đã đóng cửa ở mức 59.140 yên/cổ phiếu, vẫn giảm 1,9% so với phiên giao dịch ngày 12/1.

Fast Retailing cũng sở hữu các thương hiệu khác GU, Theory, PLST, Helmut Lang, Theory Luxe, Comptoir des Cotonniers, Princess tam-tam và J Brand. Công ty cho biết tổng doanh thu và lợi nhuận của Uniqlo tại Nhật Bản và Trung Quốc đã giảm do các hạn chế liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Uniqlo cân nhắc tăng giá một số sản phẩm - Ảnh 1.

Uniqlo cân nhắc tăng giá sản phẩm. (Ảnh: Asia Nikkei).

Tại Nhật Bản, Uniqlo đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu về quần áo bình thường khi ngày càng có nhiều nhân viên làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng. Bên cạnh đó, khẩu trang "AIRism" của hãng cũng bán rất chạy trong quý. Giám đốc tài chính Takeshi Okazaki cho biết hai mảng này đã tạo ra hiệu suất tốt cho doanh nghiệp trong năm 2022.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động chậm chạp tại hai thị trường chủ chốt của Fast Retailing đã được bù đắp bởi doanh số bán hàng tốt ở Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu.

Doanh thu và lợi nhuận của công ty ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương đã phục hồi, ngang bằng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, khi các quốc gia ở những khu vực đó dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19. Đặc biệt, các sản phẩm ngoài trời và thể thao bán khá chạy.

Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhu cầu đối với các mặt hàng du lịch cũng tăng mạnh do mùa thu tương đối mát mẻ đã thúc đẩy doanh số bán hàng. Công ty giữ nguyên dự báo thu nhập cả năm ở mức cao kỷ lục 175 tỷ yên, tăng 3% so với năm trước.

Tuy nhiên, biến thể Omicron có thể gây ra những rủi ro mới với tập đoàn. Vào tháng Giêng, Nhật Bản đã ban bố tình trạng gần như khẩn cấp ở một số tỉnh, bao gồm cả Okinawa do số ca bệnh gia tăng. Các ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2021.

Trung Quốc cũng đã đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cả việc cách ly một số thành phố. Ông Okazaki cho biết: "Tùy thuộc vào các thành phố, một số cửa hàng được yêu cầu đóng cửa đón ít khách hơn những cửa hàng khác. Chúng tôi dự đoán tình hình khó khăn này sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất cho đến tháng Hai".

"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi sau cuối năm và năm mới vẫn tốt. Rất khó để dự báo tương lai do sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đạt được mục tiêu cả năm".

Bên cạnh COVID-19, các nhà sản xuất hàng may mặc phải đối mặt với những lo ngại khác, bao gồm giá nguyên liệu thô tăng, chi phí vận chuyển tăng và giá trị đồng yên sụt giảm (tính riêng trường hợp của Fast Retailing).

Ông Okazaki cho biết ngành này đang hoạt động trong một môi trường kinh doanh khó khăn và công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá đối với một số sản phẩm trong chừng mực có thể. Bên cạnh đó, ông tiết lộ giá sẽ chỉ được tăng lên đối với một số lượng sản phẩm rất hạn chế.

Quốc Anh