|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Foreign Invested Enterprise - FIE) là gì? Đặc điểm?

10:14 | 26/08/2019
Chia sẻ
Sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Invested Enterprise, viết tắt: FIE) được xem như nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam.
36170c8b1867bbdf0c8072fd7f00-1447915

Hình minh họa (Nguồn: http://www.chinabankingnews.com)

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Foreign Invested Enterprise)

Khái niệm

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếng Anh là Foreign Invested Enterprise; viết tắt là FIE.

Dựa trên qui định của pháp luật thực định, và hoạt động thực tiễn của chủ thể kinh doanh này, có thể hiểu một cách chung nhất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Foreign Invested Enterprise) là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trong đó có sự tham gia của các cá nhân mang quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn trong doanh nghiệp.

Đặc điểm

Về chủ đầu tư

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải có sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài, họ chịu sự chi phối lớn của quốc gia mà họ mang quốc tịch. Nhưng khi thực hiện đầu tư vào một tổ chức kinh tế ở Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thì các nhà đầu tư nước ngoài này phải đáp ứng được các điều kiện về chủ thể kinh doanh theo qui định của pháp luật Việt Nam.

Về hình thức tổ chức

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo qui định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, khi chúng ta xây dựng sân chơi chung, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Do đó, bản thân họ sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn hình thức tổ chức. 

Căn cứ theo pháp luật doanh nghiệp về mỗi loại hình doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, thì hình thức tổ chức có thể là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. 

Nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 100% vốn thì hình thức tổ chức là các loại hình công ty: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Về tư cách pháp lí

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng kí thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân.

Trong quan hệ kinh doanh thương mại, yếu tố được dặc biệt chú trọng đó chính là sự độc lập về mặt tài sản. Với yếu tố này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có thể hạn chế được rủi ro và có thể mở rộng hoạt động của mình thông qua một số những quan hệ đặc thù như góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức kinh tế khác.

Về trách nhiệm tài sản

Trách nhiệm tài sản được hiểu là sự phân chia trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp, chỉ được đặt ra khi doanh nghiệp đó phá sản hoặc giải thể.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, không có sự phân định xem tài sản đó có đưa vào kinh doanh hay không.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập dưới hình thức là các loại hình công ty (có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức), do có tư cách pháp nhân, nên trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phân tách rõ ràng: trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm tài sản của  các nhà đầu tư là thành viên hoặc cổ đông của doanh nghiệp đó.

(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh tế chuyên khảo, năm 2017, NXB: Lao động)

T.H