|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều tra phòng vệ thương mại hàng Việt Nam 1 năm 'được mùa'

09:59 | 02/01/2020
Chia sẻ
Riêng trong năm 2019 đã có hơn 150 vụ việc khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Với việc tham gia hàng chục Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo ra cơ hội về nhiều mặt cho nền kinh tế.

Mỹ điều tra hàng xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất

Khi Việt Nam tham gia các FTA cũng đặt nhiều ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu; đối diện với các rào cản thương mại cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ nhiều quốc gia. 

Nhất là khi diễn biến của thương mại toàn cầu càng phức tạp, thì các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp PVTM lại có xu hướng gia tăng với các hình thức ngày càng tinh vi, khó lường.

Điều tra phòng vệ thương mại hàng Việt Nam 1 năm 'được mùa' - Ảnh 1.

Ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương).

Thực tế như ông Chu Thắng Chung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang gia tăng, các biện pháp PVTM đã có xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng đã làm nảy sinh một số DN sử dụng các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu.

“Hành vi này đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong thời gian tới, khi các biện pháp PVTM có xu hướng tăng lên, các DN trong nước cần có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về nguy cơ này để có sự chuẩn bị, tránh bị ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình”, ông Chung cho biết.

Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2019, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nhiều nhất, với 30 vụ (chiếm tỷ lệ 19%). 

Đứng thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ (chiếm 14%). Quốc gia thứ ba là Ấn Độ với 20 vụ (tỷ lệ 13%) và thứ tư là các quốc gia thuộc EU với 14 vụ điều tra (chiếm tỷ lệ 9%).

Trong đó, dẫn đầu trong số này là các vụ việc điều tra chống bán phá giá, với 87 vụ việc (chiếm tỷ lệ 56%). Tiếp đó là các vụ việc áp dụng các biện pháp tự vệ với 33 vụ (chiếm tỷ lệ 21%). 

Thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá với 19 vụ việc (tỷ lệ 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp với 15 vụ việc (chiếm tỷ lệ 10 %).

Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Tuấn Anh, chưa bao giờ số lượng các cuộc điều tra về chống buôn lậu, chống bán phá giá cũng như các tranh chấp thương mại đối với hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế lại tăng nhanh như năm 2019.

Điều đó cho thấy việc tiếp tục bảo vệ, phát triển bền vững hàng hóa xuất khẩu trên trường quốc tế đang là những yêu cầu đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết cho Bộ Công Thương, cho Chính phủ cũng như các Bộ, ngành có liên quan. 

Vì vậy trong năm 2020, Đề án tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824) sẽ phải đi vào thực thi với sự tham gia sâu rộng của tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị.

Yêu cầu “nóng bỏng” đặt ra cho nhiều Bộ, ngành

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam cũng đã phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng. 

Điều này được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định FTA cho phép áp dụng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Điều tra phòng vệ thương mại hàng Việt Nam 1 năm 'được mùa' - Ảnh 2.

Năm 2019, một số sản phẩm thép của Việt Nam bị một số quốc gia áp thuế chống bán phá giá ở mức cao. Ảnh minh họa: KT

Tính đến cuối năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã khởi xướng điều tra 15 vụ việc PVTM sản phẩm nhập khẩu, trong đó gồm 8 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ. So với con số hơn 150 vụ việc mà các quốc gia khác đã khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì con số này đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn còn khá khiêm tốn.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại  - ông Chu Thắng Chung cho biết, thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo các biện pháp quản lý nhà nước chống hành vi gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng các nhóm giải pháp gồm lập danh sách các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ; tăng cường phối hợp kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài xác minh thông minh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ…

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ Thương mại cũng đã thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin cho các DN kịp thời để đảm bảo DN có sự tuân thủ và đáp ứng đúng quy định xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi trái phép.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với vai trò của đầu mối trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương sẽ cùng các cơ quan thực thi phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại và quản lý nhà nước nói chung sẽ phát huy hơn nữa cơ chế phối hợp, đưa ra những biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.

Tạo ra sự tương tác và kết dính chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong nước với các đối tác quốc tế để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ các biện pháp PVTM.

Nguyễn Quỳnh