British Steel sắp tạm dừng một lò cao
Động thái này sẽ cho phép nhà sản xuất thép thuộc sở hữu Trung Quốc duy trì hoạt động của lò cao còn lại tại nhà máy chính ở Scunthorpe (Lincolnshire) đến giữa tháng sau, theo nguồn tin thân cận với vấn đề, theo Financial Times.
Các lãnh đạo của Jingye Group – tập đoàn mẹ của British Steel – đã gặp Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds vào ngày thứ Tư (9/4) để thảo luận các phương án ngăn chặn sự sụp đổ của công ty đang thua lỗ. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục vào chiều thứ Năm.
Tháng trước, Jingye đã từ chối gói hỗ trợ trị giá 500 triệu bảng từ chính phủ Anh – khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất thép thân thiện hơn với môi trường.
Chính phủ Anh cho biết mọi phương án đều đang được cân nhắc, bao gồm cả việc quốc hữu hóa, nhằm tránh nguy cơ mất 3.500 việc làm. British Steel hiện là nhà sản xuất thép nguyên sinh cuối cùng còn lại ở Anh, sau khi Tata Steel đóng cửa hai lò cao của mình vào năm ngoái.
Ông Alun Davies, đại diện công đoàn ngành thép Community, cho biết ưu tiên hàng đầu của người lao động là “đạt được một thỏa thuận”.
Trong một tuyên bố chung, British Steel và Bộ Kinh doanh và Thương mại cho biết cả hai bên đều hoan nghênh việc tiếp tục hợp tác trong các cuộc đàm phán để tìm ra hướng đi tiếp theo. “Chính phủ Anh cảm ơn Jingye vì đã thể hiện sự tôn trọng đối với người lao động trong suốt quá trình này, và các nỗ lực tìm kiếm giải pháp vẫn đang được thúc đẩy.”
Các quan chức Anh đang xem xét khả năng mua nguyên liệu thô như than luyện cốc và quặng sắt để duy trì hoạt động cho các lò cao, sau khi Jingye dừng các đơn hàng nhập khẩu những nguyên liệu thiết yếu này.
Việc tạm dừng hoạt động sẽ cho phép giữ nhiệt độ trong lò ở mức nhất định, giúp khởi động lại trong vòng sáu tuần. Ngược lại, nếu để lò nguội hoàn toàn thì sẽ gần như là đóng cửa vĩnh viễn.
Trước đó trong ngày thứ Tư, Bộ trưởng Văn hóa Lisa Nandy nói với BBC rằng một “giải pháp thương mại” cho British Steel là “có thể đạt được và đang trong tầm tay”.
Nghiệp đoàn Unite đã kêu gọi chính phủ tái quốc hữu hóa British Steel nếu không đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc. Tổng thư ký Sharon Graham cho rằng: “Đó sẽ là một thảm họa kinh tế nếu chính phủ để British Steel sụp đổ.”
Bà cũng nhấn mạnh rằng chính phủ cần sử dụng sức mua của mình để ưu tiên thép Anh trong các dự án hạ tầng lớn, như một phần của chiến lược công nghiệp toàn diện hỗ trợ ngành sản xuất trong nước.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với xuất khẩu thép và nhôm, trong khi phần lớn sản phẩm của British Steel được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Theo các nguồn tin, giới chức Anh đang cân nhắc liệu nước này có cần duy trì năng lực sản xuất thép nguyên sinh trong nước hay không, trước những tác động tiềm tàng từ chính sách thuế của Mỹ đối với chuỗi cung ứng.
Điều này sẽ đòi hỏi các lò cao phải tiếp tục hoạt động trong trung hạn. Phương án thay thế là các lò hồ quang điện – công nghệ ít phát thải carbon hơn, sử dụng thép tái chế – tuy nhiên lại không thể sản xuất thép từ đầu.
Chính phủ dự kiến sẽ công bố chiến lược ngành thép trước cuối mùa xuân năm nay.