Dịch vụ chia sẻ văn phòng WeWork của Mỹ ra mắt tại Việt Nam và Philippines
Công ty dịch vụ văn phòng chia sẻ WeWork của Mỹ đang đẩy mạnh mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và Philippines, mục tiêu hướng đến việc thiết lập vững chắc sự hiện diện trong các nền kinh tế lớn nhất khu vực giai đoạn cuối năm.
Ngày 8/11, công ty tỷ đô này hé lộ địa điểm kinh doanh đầu tiên ở Philippines, tọa lạc tại quận Bonifacio Global City ở thủ đô Manila. Khu vực văn phòng này gồm 2 lầu của tháp Bonifacio Uptown Three và có khả năng cung cấp không gian làm việc cho hơn 800 người.
Tin tức mới này được hé lộ ngay sau thông báo đưa ra vào hôm 7/11 của công ty về địa điểm đầu tiên ở TP HCM được mở tại trung tâm E-Town, sát với các trung tâm kinh tế của thành phố. Khu vực văn phòng tại đây sẽ là một trong những không gian lớn nhất của WeWork tại Đông Nam Á, với không gian cho hơn 1.000 người, theo chia sẻ từ ông Turochas Fuad, Giám Đốc Khu Vực của WeWork
Cả hai địa điểm mới này sẽ khai trương vào tháng 12/2018, kết hợp với các văn phòng hiện tại tại Jakarta và Singapore, sẽ tiếp tục mở rộng chiến lược đầu tư vào Đông Nam Á của WeWork với mạng lưới hiện nay lên đến 12 địa điểm và hơn 6.000 thành viên.
“Kế hoạch của chúng tôi hướng đến việc mở rộng trên 6 khu vực thị trường vào cuối năm", ông Fuad phát biểu tại Manila, và chia sẻ thêm rằng kế hoạch mở rộng tại Malaysia và Thái Lan đang được triển khai.
WeWork đã rót vốn hơn 500 triệu USD vào kế hoach mở rộng tại thị trường Đông Nam Á và Hàn Quốc, đồng thời hướng đến việc mở thêm nhiều địa điểm khác tại Hà Nội và các thành phố khác ở Việt Nam vào năm sau để đáp ứng nhu cầu dịch vụ văn phòng chia sẻngày càng cao.
Ông Fuad cũng chia sẻ, tại Phillipines, một văn phòng mới tại quận kinh tế Makati sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu năm sau.
“Đây sẽ là nơi chúng tôi hướng tới các mục tiêu đầu tư lâu dài", Ông Turochas Fuda, Giám Đốc Khu Vực của WeWork chia sẻ về thị trường Đông Nam Á.
WeWork đang đặt niềm tin vào văn hóa làm việc di động, sự trỗi dậy của một lượng lớn các start up trong khu vực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty đa quốc gia, những nơi cần cần sự linh hoạt trong việc chọn lựa văn phòng, để đẩy mạnh phát triển kinh doanh.
Trong vài năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ các cộng đồng startup trong nước, đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và mở nhiều thị trường mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam được chính phủ khuyến khích đô thị hóa và thành lập các cộng đồng kinh doanh cũng như thiết lập mối quan hệ với thị trường quốc tế.
Việt Nam và Philippines cũng đang là hai nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong khu vực và hưởng lợi từ những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng nhiều.
Theo nghiên cứu của CBRE Research Việt Nam vào năm 2017, hơn 90% người dùng dịch vụ văn phòng chia sẻcó độ tuổi dưới 30, so với con số trên toàn cầu là 67%. Có 54% người dùng là các nhà sáng lập hoặc nhân viên của các start up, trong khi gần 14% là các freelancers và nhà kinh doanh độc lập. Các con số này phản ánh một Việt Nam có dân số trẻ và phong cách làm việc mới.
Kinh tế chia sẻ đã trở nên phổ biến tại Việt Nam khi mà Việt Nam đứng ở thứ hạng cao trên thế giới về lượng truy cập internet và xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng. Sự tăng trưởng ở các dịch vụ online cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngày kinh tế liên quan trong các lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao.
“Dịch vụ của chúng tôi sẽ tối thiểu hóa chi phí hoạt động văn phòng của doanh nghiệp và kết nối các thành viên lại với nhau thông qua hệ sinh thái của chúng tôi”, theo chia sẻ của Fuad.
Thị trường dịch vụ văn phòng chia sẻtại Việt Nam tăng bình quân 55% hàng năm trong 5 năm qua, với tổng diện tích được mong đợi sẽ đạt 90.000 m2 vào cuối năm 2018. Hồi tháng 4 khi chỉ có 19 địa điểm thì đến nay con số này tăng lên 45 địa điểm tại Hà Nội, HCM và được điều hành bởi các đơn vị kinh doanh địa phương.
Toong đang dẫn đầu thị trường khi chiếm 42%, kế đến là Up và Circo lần lượt chiếm tỷ lệ 13%, cuối cùng là Dreamplex với 11%, theo khảo sát gần đây nhất từ CBRE.
Vào tháng 4, WeWork đã chi khoảng 400 triệu USD để mua lại Naked Hub – một đơn vị kinh doanh co-working space tại Trung Quốc hiện có các địa điểm tại Việt Nam.
Hằng Nguyễn, Giám đốc Quan hệ cộng đồng của WeWork Việt Nam trả lời Nikkei Asian Review rằng công ty sẽ kết hợp với các phương tiện của Naked Hub và mở các địa điểm mới. WeWork mở rộng từ 8 đến 10 địa điểm hàng tháng ở các thành phố lớn trên khắp thế giới.
Tại Philippines, không gian làm việc chung chiếm 2,6% tổng không gian cho thuê văn phòng tại ở Manila, theo nhà tư vấn của Colliers International. Ba năm tới, Colliers dự báo lượng vốn thị trường dịch vụ văn phòng sẽ tăng 8 - 10% hàng năm.
“Chúng tôi mong rằng các nhà điều hành thị trường dịch vụ văn phòng quốc tế sẽ đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Philippines vào vài năm tới. Mặc dù với đặc thù của thị trường nội địa thì họ phải hợp tác với các nhà phát triển hoặc nhà đầu tư địa phương, và thậm chí vài trường hợp là mua lại”, theo Maricris Sarino Joson, Phó Giám đốc về dịch vụ văn phòng tại Colliers International Philippines.
Xem thêm |