Dịch COVID-19 lắng dịu trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình tính kế vực dậy lòng tin của doanh nghiệp nước ngoài
Kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái thiết chính sách đối ngoại của Trung Quốc, kêu gọi các nhà ngoại giao mở rộng mối quan hệ ra phạm vi toàn cầu thông qua nhiều tổ chức quốc tế mới và Sáng kiến Vành đai - Con đường trị giá hàng trăm tỉ USD.
Tuy nhiên, từ khi dịch virus corona (COVID-19) tàn phá Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia phải đánh giá lại chuỗi cung ứng thì các nhà ngoại giao lại chuyển về thế phòng thủ để bảo vệ mặt trận quê nhà.
Động thái này chủ yếu có hai mục đích: Khôi phục danh tiếng của Trung Quốc trong mắt các công ty nước ngoài sản xuất và mua nguyên liệu - linh kiện ở đất nước tỉ dân, và đảm bảo duy trì quyền lực của nhà nước.
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, đó là một ván cờ may rủi. Dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 80.000 người Trung Quốc và khiến hơn 3.000 người tử vong, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống hàng ngày ở nhiều khu vực trên đất nước tỉ dân.
Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng quí I/2020 của Trung Quốc xuống trung bình 4% - mức thấp nhất trong ba thập kỉ qua, và đó là từ trước khi giá dầu thô cắm đầu giảm mạnh hôm 9/3.
Hôm 10/3, ông Tập Cận Bình đã lần đầu tiên đến thăm tâm dịch Vũ Hán kể từ khi dịch bùng phát. Chuyến đi này được cho là nhằm thể hiện sự tự tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Hiện tại, ông Tập cần phải thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc vẫn là nơi an toàn để doanh nghiệp làm ăn.
Ông Timothy Heath - nhà nghiên cứu quốc tế tại RAND, cho hay: "Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan nhanh tại Trung Quốc như vừa qua, thế giới có dư lí do để nghi ngờ về khả năng của các nhà chức trách Trung Quốc. Ý tưởng về một 'hình mẫu Trung Quốc' có thể chịu thiệt hại kéo dài".
Giới chức Trung Quốc nỗ lực vực dậy niềm tin của cộng đồng quốc tế
Vào năm 2022, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với một kiểu bỏ phiếu tín nhiệm khi Trung Quốc tổ chức cuộc họp thường kì 5 năm một lần để tìm kiếm các nhà lãnh đạo mới.
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump đã khiến một số công ty dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và cân nhắc lại việc sử dụng thiết bị 5G của Huawei Technologies.
Ông Peter Navarro, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nhận định dịch COVID-19 cho thấy Mỹ cần phải tích cực mang thêm chuỗi cung ứng toàn cầu trở về quê nhà.
Chính quyền của ông Trump không phải là mối lo ngại duy nhất của Trung Quốc. Tại một cuộc họp của nhóm G20 hồi tháng trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đặt câu hỏi, liệu G20 "vẫn muốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc ở mức 90% hay 95%" cho mọi thứ từ ô tô, dược phẩm đến hàng không hay không.
Ông Ma Hui - công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở London, cho biết các nhà ngoại giao đang phải vất vả làm việc thêm giờ để trả lời các câu hỏi về dịch COVID-19 và bác bỏ những gì được cho là thông tin sai lệch.
Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ cho các hãng hàng không sẵn sàng nối lại chuyến bay đến nước này, trong khi các công ty dược phẩm của Anh đã bày tỏ mối quan tâm đến việc hợp tác với Bắc Kinh để chống lại dịch bệnh, trong đó có hướng phát triển vaccine, Bloomberg dẫn lời ông Ma Hui cho hay.
Bất kì tác động nào đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu đều sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nếu chúng ta hợp tác cùng nhau chống lại dịch bệnh
Ông Ma Hui - công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở London, cho hay.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc đã nhận được hỗ trợ từ chính phủ Anh, trong đó có một cuộc điện đàm từ Thủ tướng Boris Johnson đến nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Vị công sứ này cũng thừa nhận ông lo ngại rằng nếu xử lí sai cách, phản ứng quốc tế đối với dịch COVID-19 có thể góp phần gây ra hiểu lầm về Trung Quốc và vai trò của đất nước tỉ dân trong nền kinh tế toàn cầu.
Bloomberg đưa tin giới chức Bắc Kinh cũng đã tìm cách giành lấy lòng tin của các công ty nước ngoài, khi mà Đại sứ Trung Quốc tại châu Âu vừa tổ chức một hội thảo trực tuyến với Phòng Thương mại châu Âu tại Bắc Kinh.
Trong khi đó ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen đã tổ chức một hội nghị trực tuyến hiếm hoi với Phòng Thương mại châu Âu và dự định thực hiện động thái tương tự với Phòng Thương mại Mỹ.
Các động thái trên thậm chí còn khiến một số thành viên hi vọng ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể khuyến khích Trung Quốc khởi động cải cách kinh tế mới.
Trung Quốc đang cận kề một cuộc khủng hoảng kinh tế mới và khác biệt. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất giỏi xử lí nguy cơ khủng hoảng cũng như bất ổn kinh tế, và sử dụng chúng làm bàn đạp để nhanh chóng thúc đẩy tự do hóa kinh tế
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cho biết.
Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân khôi phục danh tiếng của Trung Quốc sau khi dịch COVID-19 lắng dịu
Không có cử chỉ nào là vụn vặt: Thủ tướng Campuchia Hun Sen - nhà lãnh đạo đầu tiên đến thăm Trung Quốc trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này hồi đầu tháng 2, đã nhận được lời khen từ ông Tập.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi món quà 30.000 con cừu của Tổng thống Mông Cổ Battulga Khatlmaa trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo này đến Trung Quốc hồi tuần trước.
Ông Tập Cận Bình cũng trực tiếp hỗ trợ nỗ lực khôi phục danh tiếng của Trung Quốc, lần lượt trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo Chile Sebastian Pinera.
Sau cuộc điện đàm với Hoàng tử Các tiểu vương quốc Arab thống nhất Mohammed bin Zayed Al Nahyan tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dẫn lại lời đảm bảo của Chủ tịch Tập Cận Bình về nỗ lực chống dịch COVID-19 của Trung Quốc cũng như ghi lại lời ngợi khen của nước ngoài về ông.
"Tôi tin rằng dưới tài năng lãnh đạo chắc chắn của Chủ tịch Tập Cận Bình, người dân Trung Quốc sẽ vượt qua dịch bệnh", Hoàng tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan cho hay.
"Ông Tập Cận Bình đang sử dụng kênh ngoại giao để gửi thông điệp đến công chúng trong nước cũng như củng cố quyền lực hợp pháp của mình", ông Evans Medeiros - cựu giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khu vực châu Á, nhận định.
Một yếu tố khác trong chiến lược của Bắc Kinh vừa lộ diện vài ngày gần đây: dấy lên nghi vấn về sự liên quan của Trung Quốc trong sự bùng phát ban đầu của dịch COVID-19.
Tuần trước, phát ngôn viên Zhao Lijian của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngầm thể hiện sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh về một số tin đồn trên mạng xã hội, trong đó cho rằng virus corona có thể xuất phát từ nơi khác. Ông nói: "Virus này có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc".