|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 hôm nay 23/3: Công bố kết quả thử nghiệm vắc xin AstraZeneca tại Mỹ

08:21 | 23/03/2021
Chia sẻ
Ngày 22/3, AstraZeneca thông báo vắc xin của công ty này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID-19 trong thử nghiệm giai đoạn III ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 24/3

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (23/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, hôm nay là ngày thứ 5, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Cả nước hiện có 2.575 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đến nay đã có 36.082 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Dịch COVID-19 hôm nay 23/3: Công bố kết quả thử nghiệm vắc xin AstraZeneca tại Mỹ - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. (Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.599.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.235/2.575 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 36 ca; số ca âm tính lần hai là 17 ca, lần ba là 35 ca. 

Theo Bộ Y tế, hôm qua, AstraZeneca đã công bố kết quả tổng quan trên cơ sở phân tích sơ bộ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc xin AZD1222 do AstraZeneca thực hiện tại Mỹ.

Dữ liệu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc xin đã được chứng minh có ý nghĩa thống kê là 79% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng và 100% trong việc phòng ngừa bệnh nặng và nhập viện do COVID-19 trên tất cả các nhóm tuổi ở người trưởng thành. Đáng chú ý, hiệu quả bảo vệ của vắc xin là 80% ở những đối tượng tham gia từ 65 tuổi trở lên.

Vắc xin được dung nạp tốt, và Ban giám sát dữ liệu về an toàn (DSMB) xác định không có mối lo ngại nào liên quan đến tính an toàn của vắc xin.

Về các trường hợp thuyên tắc mạch do huyết khối trên dữ liệu thử nghiệm của Mỹ. DSMB không thấy tăng nguy cơ huyết khối hoặc các biến cố đặc trưng do huyết khối trong số các tình nguyện đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Không ghi nhận biến cố huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) nào trong thử nghiệm này.

Các thử nghiệm trước đây cho thấy, việc kéo dài khoảng cách giữa hai liều dùng đến 12 tuần được chứng minh mang lại hiệu quả cao hơn. 

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 124,28 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,73 triệu người tử vong và 100,25 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Hiện châu Âu là lục địa có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 37 triệu ca, trong đó có hơn 879.000 ca tử vong. Bắc Mỹ là khu vực xếp thứ hai với hơn 35 triệu ca bệnh và hơn 803.900 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba và đứng thứ tư là Nam Mỹ.

Mặc dù đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19, ngày 22/3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton nhận định Liên minh châu Âu (EU) có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 7 tới, theo TTXVN

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,57 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 42.497 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 601 ca, nâng tổng số lên 555.925. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,84 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Reuters đưa tin, tính tới hôm 21/3, Mỹ đã tiêm 124.481.412 liều vắc xin COVID-19 của Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson. Tốc độ tiêm chủng nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. 

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 53.386 và 1.570 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,05 triệu và 295.685 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,5 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. 

Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,68 triệu ca nhiễm và 160.200 ca tử vong, tăng lần lượt 40.611 và 197 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,17 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại tại nước này.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.284 ca mắc và 361 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,46 triệu trường hợp, trong đó 95.391 trường hợp tử vong, và hơn 4,07 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Dịch COVID-19 hôm nay 23/3: Công bố kết quả thử nghiệm vắc xin AstraZeneca tại Mỹ - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Virchow có trụ sở tại Ấn Độ để sản xuất 200 triệu liều vắc xin Sputnik V mỗi năm. 

Sinh viên đại học nước ngoài từ 25 quốc gia "an toàn", bao gồm Thụy Sĩ, Hy Lạp, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ được phép trở lại Nga để học tập, theo The Moscow Times.    

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã bác bỏ những chỉ trích của nước ngoài về vắc xin Sptnik V của Nga và cho biết ông dự định tiêm vắc xin trong hôm nay.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.106 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.309 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Giới chức cho biết gần 75 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng trên khắp Trung Quốc tính đến 20/3. Một số khu vực ở Trung Quốc đã bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và có sức khỏe tốt, việc nghiên cứu và phát triển vắc xin cho người cao tuổi đang được đẩy nhanh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 410 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 99.075 ca, trong đó có 1.697 trường hợp tử vong, và 90.611 người đã hồi phục (90%). 

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức 400 trong ngày thứ 6 liên tiếp, làm dấy lên lo ngại đại dịch có thể  bùng phát trở lại tại đây, theo Yonhap.

Hôm qua, Ủy ban Cố vấn Hàn Quốc về Tiêm chủng (KACIP), một hội đồng chuyên gia độc lập, cho biết vắc xin AstraZeneca không liên quan đến cục máu đông được tìm thấy trong một số người thử nghiệm và việc triển khai vắc xin này sẽ tiếp tục. Nhưng ủy ban thừa nhận rằng hai trong số 10 trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng là do vắc xin AstraZeneca. Thông báo của KACIP phù hợp với đánh giá của EMA và Tổ chức Y tế Thế giới.

Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vắc xin AstraZeneca cho bệnh nhân nội trú tại các viện dưỡng lão và bệnh viện chăm sóc dài hạn, những người từ 65 tuổi trở lên vào hôm nay.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.