Dịch COVID-19 hôm nay 22/3: Đan Mạch ghi nhận ca tử vong sau tiêm vắc xin AstraZeneca
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 23/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (22/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, hôm nay là ngày thứ 4, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Cả nước hiện có 2.572 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Tính đến 16h ngày 21/3, tổng cộng 33.891 người là cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu tại 16 tỉnh/thành phố đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 .
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.599.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.198/2.572 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 37 ca; số ca âm tính lần hai là 18 ca, lần ba là 63 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 123,84 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,72 triệu người tử vong và 99,77 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,52 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 39.389 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 439 ca, nâng tổng số lên 555.298.
Tổng số người phục hồi là hơn 22,75 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Reuters đưa tin, tính tới hôm 21/3, Mỹ đã tiêm 124.481.412 liều vắc xin COVID-19 của Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson.
Tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 47.774 và 1.259 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,99 triệu và 294.115 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,44 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%.
Hệ thống y tế của các thành phố lớn đang đứng trước bờ vực sụp đổ, khi số ca tử vong và các ca bệnh mới hàng ngày tăng cao chưa từng thấy tại nước này.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,64 triệu ca nhiễm và 160.003 ca tử vong, tăng lần lượt 47.009 (cao nhất trong gần 5 tháng qua) và 213 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,14 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại tại nước này.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bị chỉ trích vì xuất khẩu nhiều vắc xin COVID-19 hơn số người được tiêm chủng trong nước. Trước tình hình này, Viện Huyết thanh của Ấn Độ hôm qua thông báo hoãn chuyển lô vắc xin AstraZeneca cho Brazil, Arab Saudi và Maroc, theo Reuters.
Nước này đã tài trợ 8 triệu liều và bán gần 52 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 75 quốc gia. Trong khi đó, mới chỉ có hơn 44 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng từ giữa tháng 1.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.299 ca mắc và 371 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,45 triệu trường hợp, trong đó 95.030 trường hợp tử vong, và hơn 4,06 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết Đức sẽ đặt mua vắc xin Sputnik V của Nga nếu vắc xin này được phép sử dụng tại Liên minh châu Âu, theo The Moscow Times.
TTXVN đưa tin, hai nhân viên tại một bệnh viện ở Đan Mạch đã xuất hiện cục máu đông và xuất huyết não trong vòng chưa đầy 14 ngày sau khi được tiêm vắc xin AstraZeneca. Một người sau đó đã tử vong. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về việc các nhân viên này mắc bệnh chính xác khi nào.
Đầu tuần này, nước này đã báo cáo ít nhất 10 trường hợp gặp chứng máu đông sau khi tiêm phòng COVID-19.
Trong khi đó, hôm 19/3, Phần Lan cũng đã tạm ngừng phân phối vắc xin sau khi ghi nhận thêm hai trường hợp gặp chứng máu đông.
Trước đó, giới khoa học Na Uy tuyên bố rằng chứng máu đông có liên quan đến vắc xin AstraZeneca. Cơ quan cố vấn y tế hàng đầu của Pháp - Haute Autorite de la Sante (HAS) cũng khuyến cáo chỉ nên sử dụng vắc xin này cho những người trên 55 tuổi, với lý do "có thể tăng nguy cơ đông máu" ở những người trẻ hơn.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.099 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.298 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng COVID-19 cho 40% dân số, tương đương khoảng 560 triệu người, đến tháng 6. Tuy nhiên, tính đến ngày 8/3, mới có 65 triệu người được chủng ngừa, theo SCMP.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 456 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 98.665 ca, trong đó có 1.696 trường hợp tử vong, và 90.328 người đã hồi phục (90%).
Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức 400 trong ngày thứ 5 liên tiếp, làm dấy lên lo ngại đại dịch có thể bùng phát trở lại tại đây, theo Yonhap.
Hôm qua, Thủ tướng Chung Sye-kyun nhắc lại rằng vắc xin AstraZeneca không tạo ra mối nguy cơ xuất hiện các cục máu đông. Kết luận được đưa ra dựa trên các phân tích của WHO, EMA và qua nghiên cứu một số trường hợp trong nước có phản ứng bất thường với vắc xin.
Hôm qua, Campuchia đã đóng cửa tạm thời toàn bộ trường học các cấp, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên cả nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi phát hiện thêm 58 ca mắc mới COVID-19, theo TTXVN.