Vì sao Trung Quốc, Nga, Ấn Độ tự sản xuất vắc xin COVID-19 nhưng chậm chạp trong tiêm chủng?
Ngày Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19, Amit Mehra - một nhân viên bệnh viện Delhi 47 tuổi đã được liệt kê trong danh sách nhóm được ưu tiên, nhưng ông Amit đã không có mặt và cho biết: "Tôi không muốn tiêm vắc xin chỉ vì nó có sẵn.".
Cách đó 2.500 dặm, Magomed Zurabov, một công dân ở Moscow cũng không muốn tiêm chủng vì nghi ngờ đại dịch đã được tạo ra một cách có chủ ý. Thay vào đó, người này thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết như đeo khẩu trang và sử dụng chất khử trùng.
Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao ở Israel, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia khác, nơi có nguồn cung vắc xin độc quyền; các quốc gia nghèo hơn cũng đã triển khai tiêm chủng với lượng vắc xin hạn chế; các nước thế giới thứ ba đang bắt đầu tăng tốc.
Tại Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ, nguồn cung vắc xin COVID-19 không còn là vấn đề vì đều tự sản xuất vắc xin. Tuy nhiên, các chương trình tiêm chủng diễn ra với những bước khởi đầu chậm chạp, việc tuyên truyền cộng động về tiêm chủng cũng không được chú trọng.
Ajeet Jain, bác sĩ tại bệnh viện Rajiv Gandhi Super Specialty ở Delhi, cho biết: "Người dân đã không háo hức và khẩn trương đi tiêm chủng. Dịch bệnh COVID-19 không còn hoành hành phổ biến tại Ấn Độ, trừ một số bang, vì vậy nhiều người cảm thấy thoải mái và cho rằng căn bệnh đã qua.".
Thực trạng này ở Ấn Độ, Nga và Trung Quốc có thể là tình trạng chung của thế giới trong thời gian tới. Đó là ngay cả khi tình trạng thiếu vắc xin được cải thiện, phần lớn thế giới vẫn có thể mất nhiều năm để có thể tiêm chủng COVID-19 trên diện rộng, bởi những thách thức trong việc tiếp cận các khu vực rộng lớn và xa xôi; sự thiếu quan tâm của công chúng; và những vấn đề y tế cấp bách hơn khác cần ưu tiên.
Tốc độ tiêm chủng của Ấn Độ đã tăng tốc trong hai tuần qua, khi các phòng khám tư nhân cũng tham gia thực hiện các mũi tiêm và các nhóm mới, bao gồm người trên 60 tuổi bắt đầu được đặt lịch hẹn đi chủng ngừa.
Nước này trong tuần qua đã đạt 3 triệu mũi tiêm mỗi ngày, nếu tiếp tục duy trì, mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số sẽ đạt được vào tháng 8.
Việc triển khai tiêm chủng cho nhóm ưu tiên gồm 30 triệu nhân viên y tế và tuyến đầu đã bị chậm hơn so với dự kiến do các nhân viên y tế còn e ngại việc tiêm vắc xin Covaxin, một loại vắc xin được phát triển trong nước đã được đưa vào sử dụng trước khi công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn III. (Dữ liệu tạm thời thời điểm đó cho thấy rằng vắc xin này có hiệu quả 81%).
"Điều đó gây ra khá nhiều do dự, nhiều nhân viên y tế, những người hiểu rõ quá trình thử nghiệm vắc xin hơn ai hết, đã không tiến hành tiêm chủng.", Tiến sĩ Shahid Jameel, một nhà virus học và giám đốc của Trường Sinh học Trivedi thuộc Đại học Ashoka cho biết.
Khởi động chậm chạp của các chương trình tiêm chủng COVID-19 đại trà ở Nga, Trung Quốc và Ấn Độ
Ông Jameel cho biết, Ấn Độ đã ngừng dốc toàn bộ lực lượng y tế để phục vụ tiêm chủng COVID-19, và dành một nửa nhân lực để tiến hành tiêm phòng các bệnh chết người khác như tiêm phòng cho trẻ, và các bà mẹ mang thai...
Trở ngại lớn nhất có thể là khi dịch bệnh tại Ấn Độ đã bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 9/2020, tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp với một quốc gia có độ tuổi trung bình khoảng 28, đã khiến người dân không muốn tiêm chủng.
Điều này cũng đúng đối với người dân Trung Quốc. Nước này đã áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh tay và hiệu quả, cuộc sống tại đây phần lớn đã trở lại bình thường. Mặc dù đã cho phép sử dụng vắc xin COVID-19 đầu tiên trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 7/2020, cho đến nay, nước này mới chỉ có 4% dân số cả nước được chủng ngừa do ý nghĩ " tại sao phải tiêm phòng? Chúng tôi đã an toàn".
Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào tháng 7, mục tiêu này yêu cầu thực hiện khoảng 4 triệu mũi mỗi ngày, trong khi tốc độ tiêm chủng được công khai mới nhất của Trung Quốc là khoảng 640.000 mũi mỗi ngày. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải cân đối các cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều cho các quốc gia khác.
Tại Nga, dịch bệch đã ảnh hưởng nặng nề hơn khi 90.000 người tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận theo số liệu chính thức. Tuy vậy, số liệu thương vong này vẫn bị cho là thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Bên cạnh đó, tiến độ tiêm chủng vắc xin ở Nga cũng đang diễn ra chậm hơn so với mục tiêu 60% người dân sẽ được tiêm chủng cho đến giữa năm nay.
Một cuộc khảo sát diễn ra trong tháng này tại Nga cho thấy 2/3 số người được hỏi không sẵn lòng tiêm vắc xin Sputnik-V, mặc cho các nghiên cứu đánh giá cho thấy vắc xin này an toàn và hiệu quả.
Cuộc thăm dò cũng cho biết sự hoài nghi của người dân đến từ nguồn gốc của virus corona, với 64% số người tham gia tin rằng virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học. Hầu hết các nhà virus học không đồng ý và tuyên bố không có bằng chứng cho thấy virus corona là do con người tạo ra.
Đại diện của liên minh y tế Doctors’ alliance, ông Sergei Rybakov cho biết sự thiếu tin tưởng vào chính phủ Nga cũng là một rào cản lớn. Mặc dù Nga đã truyền bá tốt vắc xin Sputnik-V ở nước ngoài, nhưng điều này đã không được thực hiện ở mức độ cần thiết cho chính người dân Nga.
Các rào cản tương tự cũng có khả năng làm chậm chương trình tiêm chủng ở những nơi khác, do các quốc gia sẽ phải triển khai hoạt động hậu cần lớn nhất chưa từng có. Nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, ông Babak Javid cho biết ngay cả khi nguồn cung cấp được đảm bảo, một số quốc gia có thể phải vật lộn trong nhiều năm để đạt được mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng và có khả năng miễn dịch cộng đồng.
Ông gợi ý các nước có thể tập trung nỗ lực vào việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất. "Chúng ta sẽ không thể loại bỏ những ca tử vong do mắc COVID-19, nhưng chúng ta sẽ loại bỏ được hình ảnh các bệnh viện bị quá tải.".