|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia VinaCapital 'mách nước' 5 nhóm ngành tiềm năng năm 2025

09:15 | 23/12/2024
Chia sẻ
VinaCapital kỳ vọng vốn ngoại sẽ quay trở lại chứng khoán Việt Nam khi có thông tin rõ ràng rằng Tổng thống Trump sẽ không nhắm vào Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết từ 13% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025.

Định giá của thị trường vẫn hấp dẫn

Theo phân tích mới đây ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, nhưng dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới.

Tuy nhiên, các yếu tố trong nước, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Chính phủ, sự phục hồi của thị trường bất động sản, và sự hồi phục của chi tiêu tiêu dùng, sẽ giúp duy trì tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,5% trong năm tới, phù hợp với mục tiêu chính thức của Quốc hội và với tăng trưởng GDP năm 2024.

VinaCapital không quá lo ngại rằng thuế quan của ông Donald Trump sẽ làm chệch hướng nền kinh tế Việt Nam, mặc dù nhiệm kỳ mới có thể sẽ không mang lại lợi ích như nhiệm kỳ đầu tiên, và dòng FDI sẽ giảm vào đầu năm 2025 cho đến khi các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về việc tân tổng thống Mỹ sẽ không nhắm đến Việt Nam.

Tương tự, giá trị đồng USD có thể tăng mạnh vào đầu năm 2025 do lo ngại về thuế quan, điều này sẽ tạo sức ép giảm giá đối với đồng VND.

 Tương quan USD và VND. (Nguồn: VinaCapital)..

Về thị trường chứng khoán, tính từ đầu năm đến 18/12, VN-Index đã tăng 12,1% (theo VND). Chỉ số tăng mạnh vào đầu năm, nhờ vào lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục (sau 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm ngoái), sự phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp và được hỗ trợ bởi các mức định giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, sự giảm giá của VND và các yếu tố khác đã khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ra 3,6 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam trong năm 2024 (sau 940 triệu USD dòng vốn rút ra trong năm 2023), làm giảm tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đối với cổ phiếu Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục dưới 17%.

VinaCapital kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm tới khi có thông tin rõ ràng rằng Tổng thống Trump sẽ không nhắm vào Việt Nam, và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết từ 13% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025.

Hơn nữa, định giá của thị trường vẫn hấp dẫn với tỷ lệ P/E dự phóng là 12 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm của VN-Index và thấp hơn 20% so với mức định giá của các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Định giá cũng hấp dẫn khi xét theo tỷ lệ PEG ở mức khoảng 0,7x và khi so sánh lợi suất của VN-Index với lãi suất tiền gửi 12 tháng mà các ngân hàng trả.

Tiếp theo, sự tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng trong năm 2025 một phần dựa vào sự phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở trong năm tới.

Điều này cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, vì cho vay mua nhà sẽ tăng nhanh cùng với hoạt động phát triển bất động sản. Tỷ trọng lớn của ngành ngân hàng trong VN-Index có nghĩa ngay cả khi lợi nhuận tăng trưởng từ 14% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025 cũng sẽ thúc đẩy đáng kể tổng mức tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index.

 (Nguồn: VinaCapital).

Tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng ngày càng lớn rằng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2026, khi Việt Nam hiện nay đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được xem xét là một thị trường mới nổi, sau những cải cách hành chính gần đây.

Liên quan đến rủi ro từ Tổng thống Trump, mặc dù VinaCapital không cho rằng có nguy cơ sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Trump vẫn có thể tác động mạnh đến tâm lý chứng khoán của Việt Nam và các thị trường châu Á khác.

Các nhóm ngành đáng chú ý cho năm 2025

Để vượt trội so với VN-Index, việc lựa chọn cổ phiếu một cách phù hợp là rất quan trọng. Các ngành VinaCapital ưa chuộng trong năm 2025 bao gồm: bất động sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng, vật liệu và công nghệ thông tin. Đơn vị cũng nhận thấy sự hấp dẫn ở nhóm khu công nghiệp và logistics.

Đầu tiên, đối với bất động sản, doanh số bán trước của các đơn vị nhà ở mới tăng khoảng 40% trong năm 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên khoảng 20% vào năm 2025.

Nhu cầu về nhà ở mới tại Việt Nam hiện vượt quá nguồn cung với tỷ lệ 2:1. VinaCapital hy vọng rằng các cải cách pháp lý gần đây sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án, qua đó giúp tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.

Thứ hai, với ngân hàng, đơn vị quản lý quỹ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành sẽ từ 14% trong năm 2024 lên 17% trong năm 2025, nhờ vào việc giảm chi phí tín dụng. Lãi suất tiền gửi có thể tăng 50-100 điểm cơ bản trong năm tới vì tăng trưởng tín dụng vượt quá tăng trưởng tiền gửi trong năm 2024, khiến các ngân hàng phải nỗ lực huy động vốn.

Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng biên lợi nhuận ròng (NIM) sẽ ổn định trong năm 2025, vì cho vay chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi các khoản vay thế chấp và cho vay cơ sở hạ tầng. Định giá của ngành ngân hàng vẫn rất hấp dẫn với hệ số P/B kỳ hạn 1,3x, thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình P/B của 5 năm.

Thứ ba, tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam đã dần phục hồi trong năm 2024. Ông Michael Kokalari kỳ vọng sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng doanh thu bán lẻ thực đạt 8-9% trong năm 2025 (tương đương với mức tăng trưởng dài hạn của Việt Nam), qua đó thúc đẩy doanh thu của các công ty tiêu dùng.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng doanh số các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu như điện thoại thông minh và máy tính xách tay sẽ tăng trưởng vượt trội so với tổng doanh thu bán lẻ, vì người tiêu dùng thường thay thế các sản phẩm này sau 3-4 năm, và đỉnh điểm của đợt bán hàng trước là vào năm 2021 trong thời gian dịch Covid”, ông nhận định.

Thứ 4, với nhóm ngành vật liệu, VinaCapital kỳ vọng tiêu thụ thép tại Việt Nam sẽ tăng 10% trong năm 2025, nhờ vào sự phục hồi của ngành xây dựng bất động sản và sự tăng trưởng dự kiến 15-20% trong xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng vào năm tới, điều này sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành lên 25% trong năm 2025.

Thứ 5 là công nghệ thông tin. Nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của FPT, công ty hàng đầu ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam, sẽ duy trì ở mức khoảng 20% trong năm 2025, nhờ vào khoảng 30% trong doanh thu gia công phần mềm.

FPT hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu IT toàn cầu và đang có vị thế vững vàng để đón đầu nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ liên quan đến AI, đặc biệt là với mối quan hệ chặt chẽ với NVIDIA.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng dài hạn của các ngành logistics và khu công nghiệp cũng hấp dẫn. Quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra tại Việt Nam gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, thúc đẩy nhu cầu trong cả hai ngành này.

Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam, qua đó kéo theo nhu cầu về các dịch vụ "giao hàng chặng cuối" và logistics chuỗi lạnh tại Việt Nam.

Xuân Nghĩa

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.