|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia điểm tên các cổ phiếu triển vọng đón sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi

09:57 | 17/12/2024
Chia sẻ
Tại Hội thảo VPBankS Talk 04 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” được tổ chức ngày 16/12, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS nêu triển vọng thu hút vốn khi thị trường chứng khoán được nâng hạng và danh mục cổ phiếu tiềm năng.

Về tiến trình nâng hạng, ông Sơn nhắc lại tại kỳ tháng 9/2024, FTSE Russell tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Các đánh giá theo từng tiêu chí cụ thể không thay đổi so với hồi tháng 3.

FTSE đánh giá cao nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là Thông tư 68 của Bộ Tài chính (hiệu lực tháng 11). Theo đó, thông tư đã gỡ bỏ những ràng buộc ký quỹ trước giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài (Non Pre-funding), cũng như lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, đảm bảo bình đẳng thông tin giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Tổ chức xếp hạng sẽ tiếp tục thu thập ý kiến phản hồi từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá tính hiệu quả và sự ổn định của quy định mới này.

 (Nguồn: VPBankS).

Theo Giám đốc VPBankS nhận định, để đạt được mục tiêu nâng hạng năm 2025, việc sớm xác nhận và triển khai khai mô hình thanh toán là rất cần thiết.

FTSE cũng đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế, gồm: Thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ trung tâm (CCP); đơn giản hóa quy trình mở tài khoản, như loại bỏ yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự một sổ tài liệu; triển khai cơ chế tài khoản tổng; và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao dịch, tăng khả năng xử lý lệnh.

Về triển vọng thu hút vốn khi Việt Nam được FTSE nâng hạng, dựa trên giả định toàn bộ cổ phiếu thuộc FTSE Vietnam Index sẽ được đưa vào bộ chỉ số các thị trường mới nổi của FTSE, VPBankS ước tính tỷ trọng của Việt Nam khoảng 0,56% trong rổ chỉ số FTSE EM và khoảng 0,14% trong rổ FTSE All cap ex US.

Dựa trên giá trị tổng tài sản (cuối tháng 10) của một số ETF sử dụng các chỉ số FTSE EM & All - world làm tham chiếu, giá trị dòng vốn thu động ước tính chảy vào thị trường Việt Nam ước đạt khoảng 1,7 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần, khoảng 6-7 tỷ USD).

Nếu loại trừ các ETF tham chiếu chỉ số FTSE All - world, dòng vòn thụ động tối thiểu chắc chắn chảy vào thị trường Việt Nam ước đạt khoảng 0,72 tỷ USD.

Ông Sơn dẫn thống kê từ Bloomberg, hầu hết các thị trường đều chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về dòng vốn nước ngoài khi chính thức được nâng hạng, bất kể theo tiêu chí của FTSE hay MSCI. Số liệu thống kê cho thấy dòng vốn thường tăng gấp 5 - 7 lần so với bình quân giai đoạn trước khi được nâng hạng.

 (Nguồn: VPBankS).

Cấu thành danh mục cho triển vọng nâng hạng của VPBankS bao gồm FPT, VCB, HPG, VNM, VIC và MSN.

Bộ phận phân tích tập trung vào các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường theo FTSE và MSCI, đồng thời chiếm tỷ trọng cao trong rổ cổ phiếu được lựa chọn của hai tổ chức này. Đây cũng là những doanh nghiệp có hoạt động ổn định, sức khỏe tài chính lành mạnh, có khả năng tăng trưởng trong tương lai.

(Nguồn: VPBankS). 

Tại kỳ cơ cấu quý IV của FTSE, tổ chức này đã thêm 2 mã VPI (Đầu tư Văn Phú – Invest) và VTP (Viettel Post) vào rổ FTSE Vietnam Index, ngược lại EVF (EVN Finance) và NVL (Novaland) bị loại. Số lượng cổ phiếu trong rổ giữ nguyên là 31 mã. Danh mục mới sẽ có hiệu lực sau giờ đóng cửa phiên 20/12. 

(Nguồn: VPBankS). 

Xuân Nghĩa

Chuyên gia điểm tên các cổ phiếu triển vọng đón sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi
Tại Hội thảo VPBankS Talk 04 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” được tổ chức ngày 16/12, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS nêu triển vọng thu hút vốn khi thị trường chứng khoán được nâng hạng và danh mục cổ phiếu tiềm năng.