Agriseco gợi ý ba chủ đề đầu tư tiềm năng cho năm 2025
Tại báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo VN-Index sẽ hướng đến vùng điểm cao nhất khoảng 1.450 điểm vào nửa sau năm 2025 trên cơ sở: lợi nhuận toàn thị trường tăng trưởng trong năm 2025 với mức khoảng 18-20%; P/E hợp lý 13-14 lần.
Nhóm phân tích nêu ba chủ đề đầu tư tiềm năng cho năm nay gồm: đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản; nâng hạng thị trường; xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) và tiêu dùng.
Đầu tiên là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản. Năm 2025 Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công. Kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025 cao hơn 17% so với số thực hiện năm 2024 lên tới 790.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP), nhằm hoàn thành mục tiêu đầu tư công trung hạn.
Việt Nam còn dư địa nới lỏng chính sách tài khoá trong trung hạn với tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam khoảng 37,6%, thấp hơn so với mức trần nợ công 60%. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công năm 2025 dự trong khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ là 34-35% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Cơ sở hạ tầng phát triển kỳ vọng là chất xúc tác giúp thị trường bất động sản phục hồi. Việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công, đặc biệt là giao thông trọng điểm, sẽ giúp kết nối các khu vực tốt hơn, kéo theo nhu cầu đất đai, nhà ở tăng, qua đó tăng giá trị bất động sản.
Theo Savills, bất động sản gần các tuyến metro tại TP HCM và Hà Nội đã tăng 5-10% sau khi tuyến metro Cát Linh, Nhổn – Hà Nội, Metro Bến Thành – Suối Tiên đi vào hoạt động. Kỳ vọng khi các công trình lớn khác như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, các tuyến vành đai, đường sắt đi vào khởi công và hoàn thiện sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản hồi phục.
Nhu cầu bất động sản để ở duy trì ở mức cao tại các phân khúc căn hộ, nhà riêng, biệt thự, nhu cầu đầu tư theo đó cũng bắt đầu gia tăng. Tín dụng cho vay mua nhà tăng 4,6% trong năm 2024, so với sụt giảm 1,3% trong năm 2023. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ thành công trong quý III/2024 đã có mức tăng 29% và tăng 48% so với quý III.
Nguồn cung bất động sản được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, giúp cải thiện thanh khoản thị trường bất động sản.
Việc đưa Luật Đất đai sửa đổi, quy định bảng giá đất hàng năm (trước đây 5 năm) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường dự án, cũng như quy định rõ căn cứ để giao đất/cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tăng cường tính minh bạch trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, từ đó hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho dự án.
Bên cạnh đó, cuối tháng 11/2024, Quốc hội đồng ý cho phép thí điểm nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà ở thương mại từ ngày 1/4/2025.
Thứ hai là câu chuyện nâng hạng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên (Frontier Market), và đã đạt được 7/9 tiêu chí của FTSE Russell. Hai tiêu chí cần cải thiện là: xử lý giao dịch thất bại và chu kỳ thanh toán (DvP).
Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực vào 2/11/2024 đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch mà không cần ký quỹ 100% tiền (non Pre-funding). Ước tính, với quy mô vốn hoá thị trường khoảng 5 triệu tỷ đồng, lượng tiền mở ra sau khi tháo gỡ “Pre-funding” khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng.
Các tổ chức đang dự báo Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE trong năm 2025 và có thể được đưa vào chính thức trong nửa cuối năm 2025.
Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến TTCK sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5 - 6 tỷ USD từ các ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động. Khi tăng lượng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các công ty chứng khoán quản lý phần lớn tài khoản nước ngoài như SSI, HSC, Vietcap sẽ được hưởng lợi.
Theo Agirseco, các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, VHM, FPT, HPG… sẽ là tâm điểm khi dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cuối cùng là chủ đề AI và tiêu dùng. Nhu cầu cho trung tâm dữ liệu toàn cầu năm 2030 ước tính sẽ tăng gấp ba lần so với hiện tại, trong đó AI sẽ là yếu tố đóng góp quan trọng. Chi tiêu cho điện toán đám mây ước tính tăng trưởng kép 18% mỗi năm, đạt 253 tỷ USD vào năm 2028.
Các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Meta và Amazon nhận định sẽ tăng chi tiêu vào trung tâm dữ liệu nhằm hỗ trợ phát triển AI.
Bên cạnh đó đó, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng cùng với một số xu thế bán lẻ hiện đại đang hình thành và định hình cuộc chơi bao gồm: ngành bán lẻ ở Việt Nam còn phân mảnh, các nhà bán lẻ lớn còn nhiều dư địa để chiếm thị phần từ các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ; thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam là một trong các quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực.
Ngành bán lẻ ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển trong trung dài hạn nhờ Việt Nam duy trì là quốc gia tăng trưởng hàng đầu khu vực và trên thế giới với cơ cấu dân số vàng có thể duy trì trong 10-15 năm tới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng duy trì tăng trưởng ở mức cao và trên đà cải thiện.
Ngành du lịch, một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng bán lẻ cũng đang chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 đạt 18 triệu lượt, ngang với năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Agriseco kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng nhanh đạt 23 triệu lượt năm 2025.