Dịch COVID-19 hôm nay 21/3: Anh tuyên bố chương trình tiêm chủng 'thành công lớn'
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Dịch COVID-19 hôm nay 22/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (21/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 2.572 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Tính đến 16h ngày 20/3, tổng cộng 32.361 người là cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chương trình tiêm chủng tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người được tiêm đang tạo ra miễn dịch.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.599.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.198/2.572 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 37 ca; số ca âm tính lần hai là 18 ca, lần ba là 63 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 123,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,72 triệu người tử vong và 99,39 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng trở lại.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Aljazeera đưa tin, Ba Lan, Pháp và Ukraine đã áp dụng các biện pháp phong toả một phần tại một số khu vực khi số ca bệnh mới gia tăng trở lại.
Tại một số khu vực ở châu Âu, nhiều người dân tỏ ra bất bình khi các lệnh phong tỏa ngăn đại dịch vẫn kéo dài. Khoảng 20.000 người hôm 20/3 đã xuống đường biểu tình chống các hạn chế ở Kassel, miền trung nước Đức. Trong khi, hàng nghìn người ở Liestal, Thụy Sĩ và London, Anh, cùng ngày cũng tổ chức biểu tình chống phong tỏa bất chấp những yêu cầu cấm tụ tập đông người.
Đám đông quá khích ở London cho rằng "Đại dịch chỉ là giả", và lệnh phong toả đã "hủy hoại cuộc sống của trẻ nhỏ".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,48 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 53.875 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 780 ca, nâng tổng số lên 554.859.
Tổng số người phục hồi là hơn 22,67 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 73.450 và 2.331 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,95 triệu và 292.856 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,41 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%.
Hệ thống y tế của các thành phố lớn đang đứng trước bờ vực sụp đổ, khi số ca tử vong và các ca bệnh mới hàng ngày tăng cao chưa từng thấy tại nước này.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,59 triệu ca nhiễm và 159.790 ca tử vong, tăng lần lượt 43.815 (cao nhất trong gần 4 tháng qua) và 196 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,12 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng dần trở lại từ tháng 2 tại nước này.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.632 ca mắc và 392 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,44 triệu trường hợp, trong đó 94.659 trường hợp tử vong, và hơn 4,06 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết Đức sẽ đặt mua vắc xin Sputnik V của Nga nếu vắc xin này được phép sử dụng tại Liên minh châu Âu, theo The Moscow Times.
Tại Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, chính phủ ca ngợi chương trình chủng ngừa COVID-19 của họ là "thành công lớn" sau khi một nửa dân số trưởng thành đã được tiêm vắc xin, theo AFP.
Nước này đã tiêm phòng cho gần 27 triệu người. Tuy nhiên, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) trong thư gửi tới các trung tâm tiêm chủng địa phương cảnh báo lượng vắc xin sẽ "bị hạn chế đáng kể" trong một tháng từ ngày 29/3 do thiếu nguồn cung từ Viện Serum Ấn Độ. Cơ quan này nói thêm giai đoạn tiêm chủng tiếp theo cho người trên 40 tuổi sẽ phải tạm dừng tới tháng 5.
Tuy nhiên, chính phủ nhấn mạnh sự đình trệ này sẽ không làm thay đổi kế hoạch nới phong tỏa trong những tháng tới.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.087 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.289 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Nước này hôm 19/3 báo cáo một ca mắc mới trong cộng đồng là một nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Ca bệnh này và tất cả 33 người đồng nghiệp của trường hợp đều làm việc tại khu cách ly, và không tiếp xúc với những người bên ngoài kể từ ngày 4/3.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 452 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 98.209 ca, trong đó có 1.693 trường hợp tử vong, và 89.949 người đã hồi phục (90%). Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức 400 trong ngày thứ 4 liên tiếp, theo Yonhap.
Nước này đã ghi nhận 30 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng, và cho biết các ca bệnh này có khả năng đã nhiễm virus trước khi vắc xin phát huy hiệu quả. Hơn 40% các trường hợp này xảy ra trong vòng một tuần sau khi tiêm.