Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 20/3: Pháp phong tỏa Paris và nhiều vùng phía Bắc
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (20/3) không có ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, cả nước hiện có 2.571 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.878.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.198/2.571 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 37 ca; số ca âm tính lần hai là 18 ca, lần ba là 63 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 122,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,71 triệu người tử vong và 99,02 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng trở lại.
Theo AFP, số ca COVID-19 mới trên toàn thế giới đang tăng dần trong một tháng trở lại đây, và tăng 14% trong tuần qua, nhưng số ca nhiễm mới hiện nay vẫn kém xa kỷ lục 743.600 ca mới mỗi ngày trong tuần từ 5 - 11/1.
Trong tuần này, Châu Phi và Trung Đông báo cáo số ca mắc mới không thay đổi nhiều so với tuần trước, trong khi các khu vực khác đều tăng, dẫn đầu là châu Á với mức tăng 34%, 18% ở châu Âu, 15% ở Mỹ và Canada và 5% ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Số ca bệnh mới ở châu Đại Dương tăng 75% do sự gia tăng ở Papua New Guinea, trong khi virus gần như sạch bóng tại phần còn lại của khu vực.
Israel, một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong tuần này (44%). Theo sau là UAE (giảm 24%), Malaysia (20%), Mexico (giảm 19%). Brazil là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và ca tử vong nhất trong tuần này, xếp thứ hai là Mỹ.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,42 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 62.909 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.123 ca, nâng tổng số lên 553.899.
Tổng số người phục hồi là hơn 22,6 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 89.409 và 2.730 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,87 triệu và 290.525 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,38 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 88%.
Hệ thống y tế của các thành phố lớn đang đứng trước bờ vực sụp đổ, với số ca tử vong và các ca bệnh mới hàng ngày tăng cao chưa từng thấy tại nước này.
Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,55 triệu ca nhiễm và 159.594 ca tử vong, tăng lần lượt 40.950 (cao nhất trong hơn ba tháng qua) và 189 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,1 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới tăng dần trở lại từ tháng 2 tại nước này.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tham gia phát triển Sputnik V, cho biết đã ký hợp đồng đối tác với hãng dược Ấn Độ Stelis Biopharma để sản xuất và cung cấp ít nhất 200 triệu liều vắc xin này.
Dự kiến, Stelis Biopharma có thể bắt đầu cung cấp vắc xin ra thị trường vào nửa cuối năm nay.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.699 ca mắc và 443 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,43 triệu trường hợp, trong đó 94.267 trường hợp tử vong, và hơn 4,04 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Một lô vắc xin Sputnik V gồm hơn 15.000 liều đã được chuyển đến đến St.Petersburg hôm thứ sáu sau nhiều báo cáo về tình trạng thiếu vắc xin trong thành phố. Loại vắc xin này đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Philippines, trở thành quốc gia thứ 52 bật đèn xanh cho vắc xin Nga.
Síp sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách Nga từ ngày 1/4, theo The Moscow Times.
Reuters đưa tin, Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, đã áp lệnh phong tỏa một tháng với Paris và nhiều vùng ở phía bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch từ hôm qua, trong bối cảnh nước này đang bước vào làn sóng COVID-19 thứ ba, với 75% ca nhiễm biến thể nCoV mới từ Anh. Các khoa chăm sóc tích cực đang chịu áp lực lớn, đặc biệt tại Paris.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, trong đó có một trường hợp nội địa ở tỉnh Thiểm Tây, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Đây là ngày đầu tiên nước này có ca bệnh trong cộng đồng trong 30 ngày.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.083 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.283 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 463 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 97.757 ca, trong đó có 1.690 trường hợp tử vong, và 89.523 người đã hồi phục (90%).
Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức 400 trong ngày thứ ba liên tiếp, do các ca nhiễm lẻ tẻ không hề thuyên giảm ở khu vực Seoul trong bối cảnh việc đi lại của người dân đang tăng lên và sự cảnh giác với đại dịch giảm xuống, theo Yonhap.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 Sputnik V của Nga trong bối cảnh nước này đang chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới với ca nhiễm mới tăng vọt trong vài ngày qua, theo Reuters.
Đây là vắc xin COVID-19 thứ tư được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Philippines. Giới chức cho biết, qua xem xét dữ liệu sơ bộ, hai liều vắc xin Sputnik V mang lại hiệu quả 91,6% với những người từ 18 tuổi trở lên.
Philippines có kế hoạch mua 140,5 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho 70 triệu người dân trưởng thành đến tháng 12, và đạt miễn dịch cộng đồng. Nước này đã bắt đầu tiêm chủng từ hôm 1/3, sau khi nhận được hơn 1,1 triệu liều vắc xin của Sinovac (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển).