|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đi học cùng con, bán bớt tài sản: Giải pháp để chủ doanh nghiệp gia đình chuyển giao kế nghiệp thành công

07:38 | 26/06/2019
Chia sẻ
Để chuyển giao kế nghiệp thành công, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát sẵn sàng đi học cùng con, trong khi chủ tịch tập đoàn Hoàng Hà lại muốn bán vài nhà máy để giảm áp lực cho thế hệ sau.

Sáng 25/6, chương trình tọa đàm "Diễn đàn Doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2019: Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công" diễn ra tại Hà Nội. Nhiều đại diện của doanh nghiệp gia đình và quan chức chính phủ tham dự chương trình.

Những vấn đề đáng lo ngại đối với doanh nghiệp gia đình

Phát biểu trong chương trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, ông Phan Đức Hiếu, nêu ra một số vấn đề mà ông cảm thấy "đáng quan ngại" đối với công ty gia đình.

"Chẳng hạn, gần đây rất nhiều doanh nghiệp gia đình lâm vào tranh chấp. Xung đột trong gia đình trở thành tranh chấp trong công ty. Khi tranh chấp bùng nổ, khả năng tồn tại của doanh nghiệp lung lay, chứ chưa nói tới chuyện kế nghiệp", ông Hiếu phát biểu.

Hieu 2

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, phát biểu trong chương trình hôm 25/6. Ảnh: Nhạc Dương

Vấn đề thứ hai là người sáng lập công ty gia đình thường có xu hướng "ôm đồm" mọi việc. Theo ông Hiếu, đây là một điểm yếu, bởi khi người đứng đầu ốm nặng, qua đời hay hết cảm hứng, tương lai của doanh nghiệp sẽ trở nên khó lường.

Chỉ nghĩ tới việc đưa con, cháu vào vị trí quản lý cao là vấn đề thứ ba mà ông Hiếu lưu ý. Nhưng khi bổ nhiệm con, cháu vào vị trí điều hành cấp cao, nhiều người sáng lập lại không muốn họ vạch ra những chiến lược, mục tiêu khác với chiến lược của thế hệ trước.

"Nếu thế hệ tiếp theo không đủ năng lực điều hành doanh nghiệp hoặc có định hướng khác thế hệ trước, nhà sáng lập có thể để họ sở hữu cổ phần (đóng vai trò cổ đông) nhưng không tham gia điều hành. Đối với hoạt động vận hành doanh nghiệp, họ nên thuê những người có năng lực bên ngoài", ông Hiếu nói.

Anh David Tay – Giám đốc Phát triển kinh doanh của PwC tại Malaysia và Việt Nam nhấn mạnh rằng, giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là khoảng thời gian chuyển giao quyền điều hành từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, khảo sát doanh nghiệp gia đình năm 2018 của PwC với 2.953 chủ doanh nghiệp gia đình tại 53 quốc gia cho thấy chỉ 15% số họ có kế hoạch chuyển giao kế nghiệp cụ thể.

"Chỉ khoảng 1/3 số chủ doanh nghiệp này từng bàn bạc kế hoạch kế nghiệp với người thân", anh Tay nói.

Sự thấu hiểu giữa hai thế hệ là yếu tố tiên quyết để chuyển giao thành công

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam, nói rằng ba thế hệ trong gia đình ông đều làm trong ngành tài chính nên ông hiểu rõ câu chuyện chuyển giao quyền điều hành trong doanh nghiệp gia đình. Điểm đặc trưng của thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay là ưu tiên sự linh hoạt và cảm hứng trong kinh doanh, yếu tố có thể xa lạ với tư duy kinh doanh của thế hệ trước. Theo ông, khả năng thấu hiểu nhau giữa các thế hệ là điều kiện tiên quyết để chuyển giao cơ nghiệp một cách suôn sẻ và thành công.

"Nếu hai thế hệ trong doanh nghiệp gia đình không thể giao tiếp thường xuyên, tự nhiên và cởi mở với nhau, nhà sáng lập đừng vội nghĩ tới chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ sau", ông Minh nhấn mạnh.

Minh Deloitte

Bùi Tuấn Minh (ngồi giữa)- Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam, và anh David Tay – Giám đốc Phát triển kinh doanh của PwC tại Malaysia và Việt Nam. Ảnh: Nhạc Dương

Anh hùng lao động Ninh Thị Ty, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm, nhận định rằng thế hệ thứ hai trong doanh nghiệp gia đình chịu áp lực rất lớn khi tiếp quản cơ nghiệp.

"Tâm thế của người khởi nghiệp từ số vốn 100 triệu khác rất nhiều so với người tiếp quản cơ nghiệp 100 tỷ. Thế hệ trước phải thấu hiểu áp lực của thế hệ sau, chứ không nên nghĩ rằng họ quá thuận lợi khi chỉ việc tiếp tục phát triển doanh nghiệp gia đình", bà Ty nói.

Sau khi thấu hiểu, theo bà Ty, thế hệ trước cần đặt niềm tin, chia sẻ và lắng nghe thế hệ sau để họ tự tin trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Thế hệ trước cần sẵn sàng thử thách bản thân và học hỏi không ngừng

Chị Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, nói về hai giải pháp mà thế hệ trước nên thực hiện để có thể chuyển giao quyền điều hành một cách êm thấm và thành công cho thế hệ sau.

"Quan điểm của tôi là các thế hệ trong doanh nghiệp gia đình nên tham gia các khóa học cùng với nhau. Việc đó sẽ giúp mọi thành viên trong gia đình, dòng họ thay đổi. Chúng ta không thể cải cách doanh nghiệp nếu chỉ một người thay đổi, còn những người khác không thay đổi", chị Phương lí giải.

Tran Uyen Phuong 2

Chị Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, kể câu chuyện về sự cởi mở, lắng nghe con của doanh nhân Trần Quí Thanh, người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát, trong sự kiện hôm 25/6. Ảnh: Nhạc Dương

Nữ doanh nhân kể rằng chị cùng cha, mẹ và chị gái từng sang Thụy Sĩ để dự một chương trình đào tạo.

"Việc cha tôi (ông Trần Quí Thanh) đồng ý đi học cùng hai con cho thấy sự cởi mở của thế hệ thứ nhất đối với quan điểm, mong muốn của thế hệ thứ hai, mặc dù quan điểm hay tầm nhìn của thế hệ thứ hai chưa phù hợp hoặc đúng với tình hình thực tế.

Giải pháp thứ hai, theo chị Phương, là thế hệ trước phải sẵn sàng thách thức bản thân, chấp nhận cơ chế kiểm soát quyền lực. Chẳng hạn, doanh nhân Trần Quí Thanh đã thành lập một ban cố vấn với nhiệm vụ duy nhất là chất vấn ông. Ban cố vấn bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, các giám đốc doanh nghiệp. Họ có thể hỏi ông mọi vấn đề, chẳng hạn như lí do khiến tập đoàn không đạt một mục tiêu nào đó.

"Bằng cách cởi mở và lắng nghe mọi ý kiến, chúng tôi hi vọng Tân Hiệp Phát sẽ có thể tuyển nhiều tài năng ở bên ngoài để cùng phát triển tập đoàn", chị Phương thổ lộ.

Bán bớt tài sản để giảm áp lực cho thế hệ sau

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quảng Ninh và là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Hà – lại có tư duy khá lạ đối với việc chuyển giao cơ nghiệp cho con. 5 năm trước, ông từng lên kế hoạch giao cho con trai chức Tổng giám đốc, còn ông giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông cảm thấy kế hoạch khó trở thành hiện thực.

"17 năm qua, tôi đầu tư quá nhiều dự án. Tổng số dự án tôi đã đảm nhận là 15, tức là bình quân hơn một năm tôi thực hiện một dự án – tần suất quá dày", ông Thể kể.

Pham Van the

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Hà, ông Phạm Văn Thể, nói về thách thức trong quá trình chuyển giao quyền điều hành tập đoàn cho con khi ông tham gia chương trình hôm 25/6. Ảnh: Nhạc Dương

Hai con của ông Thể học thạc sĩ ở nước ngoài. Khi về nước, một người lãnh đạo bộ phận tài chính của tập đoàn, còn người kia điều hành mảng tiếp thị. Tuy nhiên, cả hai người đều chưa thể điều hành chung.

"Nếu áp dụng kiểu quản lý mà cháu học ở nước ngoài vào công ty thì không phù hợp, và công nhân sẽ bất mãn mà bỏ việc", ông thổ lộ.

Hiện tại, tập đoàn Hoàng Hà có 6 nhà máy sản xuất và 9 công ty trong các lĩnh vực du lịch, xây dựng, xuất nhập khẩu.

"Tôi mới chỉ bàn giao cho con hai công ty. Nếu tôi bàn giao hết, có lẽ cháu sẽ không thể đảm đương nổi. Vì thế, tôi nghĩ tới phương án bán bớt một số nhà máy để giảm áp lực và khối lượng công việc cho thế hệ sau. Bản thân tôi đã điều hành 17 năm mà còn thấy quá tải thì chắc chắn con tôi sẽ rất vất vả nếu cháu tiếp quản tập đoàn", ông Thể nói.

Nợ ngân hàng cũng là một lý do khiến ông Thể muốn bán bớt các nhà máy. Dù thuộc hàng "đại gia", ông vẫn phải vay tiền ngân hàng để kinh doanh và mong muốn của ông là khi ông bước sang tuổi 60 (vào năm sau), ông sẽ không còn là "con nợ".

"Bán bớt tài sản cũng là cách để giảm áp lực vay nợ cho con khi cháu tiếp quản doanh nghiệp", ông Thể nói.

Nhạc Dương