ĐHĐCĐ Phân bón Cà Mau: Dự báo cuối tháng 5 hoặc 6 giá phân bón sẽ tạo đáy và tăng trở lại
Sáng ngày 27/4, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã: DCM) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với 45 cổ đông tham dự, đại diện cho 456 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 86,23% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.
Nâng ban quản trị lên 9 người
Mở đầu phiên họp, DCM đã trình cổ đông miễn nhiệm hai thành viên độc lập Hội đồng quản trị (HĐQT) và bầu thay thế hai thành viên là ông Trương Hồng và bà Đỗ Thị Hoa.
Theo Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh, do năm 2021, DCM sẽ đầu tư phát triển thêm các ngành nghề khác nên cần thêm một thành viên HĐQT. Do đó công ty đã trình cổ đông bầu ông Lê Đức Quang làm Thành viên HĐQT, nâng số thành viên HĐQT lên 7 người và hai thành viên HĐQT độc lập.
Kế hoạch doanh thu gấp đôi vào năm 2025
Tại đại hội, công ty đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu hợp nhất 7.839 tỷ đồng; lãi sau thuế 197 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 70% so với kết quả kiểm toán năm 2020. Đây đồng thời là kế hoạch thấp kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động.
Giải thích về về việc đặt kế hoạch thấp kỷ lục kể từ khi hoạt động, Tổng Giám đốc nói: "Cũng như Đạm Phú Mỹ, DCM vẫn đặt kế hoạch 2021 ở mức thận trọng do công ty chưa thể lường trước được các vấn đề xảy ra trong năm nay".
Song, cho kế hoạch dài hạn, DCM tiết lộ muốn xây dựng mục tiêu doanh thu đạt gấp đôi lên 15.000 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết tương lai sẽ bổ sung thêm các thành viên HĐQT là người nước ngoài để giúp quản lý công ty khi mở rộng thị trường.
Về kế hoạch cổ tức, DCM trình đại hội chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 8% tiền mặt (800 đồng/cp), trong khi kế hoạch ban đầu bỏ ngỏ tỷ lệ này. Cho năm 2021, DCM dự kiến chia với tỷ lệ 5% bằng tiền (500 đồng/cp).
Tìm kiếm nguồn nhiên liệu khí thay thế
Trong năm 2021, công ty sẽ chi 115 tỷ đồng (năm ngoái là 183 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị. Công ty sẽ tập trung hoàn thiện nghiệm thu dự án đầu tư sản xuất phân bón phức hợp từ urê nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm.
Ngoài ra, DCM sẽ nghiên cứu cơ hội đối với các dự án tìm nguồn nguyên nhiên liệu thay thế khí, giảm sức ép về nguồn khí.
Theo tiết lộ của ban lãnh đạo, nguồn cung từ mỏ khí PM3 (thuộc vùng giữa Việt Nam và Malaysia) đang dần cạn kiệt nên công ty đang tìm nguồn khí mới, mà cụ thể là tại Malaysia để bù đắp.
Cũng trong năm nay, DCM cho biết sẽ triển khai công tác thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hiện PVN đang nắm 75,56% vốn tại DCM.
Bổ sung ngành nghề kinh doanh mới
Trong đại hội này, DCM đã trình lên cổ đông thông qua ngành nghề kinh doanh mới, trong đó có ngành nghề thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, quảng cáo, mua bán thiết bị điện tử và cả sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng,...
Theo ban quản trị, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh này dựa những tài sản sẵn có của công ty và các ngành nghề mới này sẽ hỗ trợ sản xuất chính giúp DCM kinh doanh hiệu quả hơn.
* Phần thảo luận:
Câu hỏi: Kế hoạch kinh doanh năm 2021 được xây dựng trên giá dầu bao nhiêu?
Đại diện DCM cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2021 được xây dựng từ đầu năm, dựa trên giá dầu 45 USD/thùng, giá khí là 4,792 USD/mmbtu. Kế hoạch này đã có sự chấp nhận của tập đoàn PVN và đã xin ý kiến của Chính phủ.
Trong quý I, giá dầu bình quân đã ở mức 65 USD/thùng, trong khi giá khí ở mức 5,8 USD/mmbtu, làm chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Song, ban lãnh đạo cho biết giá bán phân bón đang tốt.
Câu hỏi: Tại sao giá bán phân bón của DCM lại thấp hơn thị trường?
Tổng Giám đốc trả lời, nếu định giá phân bón cao sẽ tạo sức hút cho việc nhập khẩu, điều này sẽ khiến thị trường lũng đoạn. Ông Thanh chia sẻ thêm, "chúng tôi tham gia vào để điều tiết thị trường".
Đại diện DCM cho biết, dự báo cuối tháng 5 hoặc 6 thì giá phân bón sẽ tạo đáy và sau đó tăng trở lại. Ông Thanh nhận định "đối với năm 2021, triển vọng ngành phân bón vẫn khá tốt".
Câu hỏi: Triển vọng xuất khẩu của DCM trong những năm tới như thế nào?
Thời gian gần đây, vấn đề liên quan đến việc bắt tay phân vùng của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình với CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, ngoài ra Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) phải tạm dừng bảo dưỡng nhà máy khiến DCM có nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu trên thị trường.
Theo lãnh đạo DCM, công cụ xuất khẩu vẫn là công cụ giúp cân bằng cung cầu nhưng năm 2021, việc xuất khẩu sẽ phải hạn chế lại.
Riêng đối với thị trường Campuchia, DCM đang chiếm 40 - 50% thị phần, "chúng tôi không xem đó là thị trường xuất khẩu". DCM vẫn sẽ duy trì xuất hàng qua khu vực này dẫu còn gặp nhiều khó khăn về dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh.
Trong tương lai, ngoài Campuchia, DCM sẽ tìm kiếm một thị trường xuất khẩu phân bón khác với sản lượng xuất khẩu 100.000 - 150.000 tấn urê.
Câu hỏi: Trên thị trường, giá phân NPK đã tăng đáng kể, tại sao giá NPK của DCM vẫn duy trì?
Trả lời câu hỏi, Tổng Giám đốc DCM cho biết cả CTCP Phân Bón Bình Điền, Phân Bón Việt Nhật và Đạm Phú Mỹ sẽ điều chỉnh lại thị trường phân NPK.
Theo vị giám đốc, thị trường NPK là một thị trường "bát nháo", nhiều thương hiệu tham gia vào để có được lợi nhuận cao nhưng chất lượng sản phẩm kém, sau đó biến mất cùng thương hiệu. Người thiệt hại chính là những người nông dân.
"Chúng tôi đang và sẽ cùng nhau xây dựng để định hình lại thị trường với sản phẩm chất lượng, còn giá cả sẽ do thị trường quyết định". Số phân NPK đã được chúng tôi mua lại từ 6 tháng trước nên đảm bảo được giá bán duy trì ở mức tốt với thị trường.
Câu hỏi: Lịch bảo hành nhà máy của DCM?
Theo chia sẻ, DCM lấy mỏ từ Myanmar và được điều khiển từ xa (trên giàn khoan không có người) để đảm bảo độ tin cậy. DCM sẽ bảo dưỡng hằng năm, gọi là bảo dưỡng tổng thể. Nhưng kể từ năm 2020, DCM đã thay đổi cách bảo dưỡng, quyết định hai năm bảo dưỡng lớn một lần.
Năm 2021 công ty dự kiến sẽ bảo dưỡng vào tuần thứ hai, thứ ba của tháng 8 tới, thời gian dừng máy mất 19 - 21 ngày, sau đó sẽ chạy lại.