|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Đạm Cà Mau có thể lãi đột biến quý I nhờ giá phân bón tăng mạnh

19:44 | 13/03/2021
Chia sẻ
Nhờ giá phân bón tăng mạnh, VDSC dự báo kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau có thể sẽ tăng trưởng đột biến trong quý I/2021 với mức tăng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 32% và 99%.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa ra báo cáo phân tích tình hình kinh doanh của  CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao.

Lợi nhuận quý I có thể đột biến

VDSC cho biết giá khí đầu vào sản xuất đạm đang phục hồi nhanh nhưng nhờ tỷ trọng chi phí khí trong giá thành của Đạm Cà Mau không quá cao, tác động bất lợi sẽ được giới hạn một phần. 

Ở đầu ra, giá bán phân ure đã tăng rất mạnh theo đà tăng của giá thế giới do thiếu nguồn cung từ Trung Quốc trong khi nhu cầu sản xuất nông sản toàn cầu đang trở lại nhanh chóng. 

VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau có thể sẽ tăng trưởng đột biến trong quý I/2021.

Với giả định sản lượng tiêu thụ phân ure của Đạm Cà Mau đạt 200.000 tấn (tăng 13% so với năm trước) và giá bán trung bình 8.000 đồng/kg (tăng 28%), giá khí đầu vào ở mức 6,16 USD/MMBTU (tăng 22%). VDSC ước tính doanh thu và lợi nhuận quý I/2021 của Đạm Cà Mau có thể đạt 1.778 tỷ đồng và 183 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% và 99% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp mở rộng lên 18% so với mức 14,9% trong quý I/2020.

Tuy nhiên, giá bán phân bón các quý sau có thể sẽ giảm dần trong khi giá dầu sẽ duy trì cao hoặc tiếp tục tăng, làm giảm dần hiệu ứng tích cực lên lợi nhuận.

Nguồn cung phân bón toàn cầu thiếu hụt hỗ trợ cho tăng trưởng giá bán

Báo cáo của VDSC cho biết theo dữ liệu từ Agromonitor, giá bán Đạm Cà Mau trong nước trung bình tháng 2 đã tăng 24% so với trung bình quý IV/2020, tăng 27% so với tháng 2/2020 và tăng 28% so với trung bình cả năm 2020. 

Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ nhu cầu sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh do Trung Quốc tái đàn sau khi kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu dầu diesel sinh học phục hồi theo tiến trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, nguồn cung phân bón thế giới giảm sút do Trung Quốc ngưng nhập khẩu than của Úc và phải phân bổ nguồn khí tự nhiên khai thác được cho sản xuất điện. 

Ngoài ra, nhiều nhà máy phân bón của Trung Quốc vẫn đang đóng cửa do hư hại nghiêm trọng trong đợt lũ lịch sử năm 2020. Hoạt động nhập khẩu phân bón khó khăn do thiếu container rỗng.

Tuy nhiên, VDSC nhận định giá phân bón tăng quá nhanh đang gây căng thẳng cho ngành nông nghiệp trong nước do làm tăng chi phí sản xuất trong khi mức tăng giá bán nông sản không đủ lớn để bù đắp. 

Gánh nặng chi phí có thể khiến nông dân giảm bón phân, kéo theo giá bán phân bón các quý sau khó duy trì ở mức cao.

VDSC: Đạm Cà Mau có thể lãi đột biến quý I nhờ giá phân bón tăng mạnh - Ảnh 1.

Giá khí đầu vào phục hồi mạnh tạo áp lực lên chi phí sản xuất

Giá dầu hiện đã tăng lên mức 65 - 66 USD/thùng, cao gấp 4 lần so với mức giá thấp nhất vào tháng 4/2020 (bỏ qua sự kiện giá dầu giảm xuống mức âm). 

Mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang tăng nhanh theo các hoạt động kinh tế xã hội hơn so với nguồn cung từ OPEC+, các nhà khai thác dầu đá phiến và Iran. 

Cùng xu hướng với giá dầu, giá khí tự nhiên (neo theo giá dầu MFO) sử dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phân đạm đã phục hồi mạnh 25% trong hai tháng đầu năm so với trung bình quý IV/2020. 

VDSC nhận định tình trạng giá dầu tăng cao nhiều khả năng vẫn tiếp diễn và sẽ tác động mạnh hơn theo hướng làm tăng chi phí đầu vào của các nhà máy phân ure.

Do chi phí khí đầu vào chỉ chiếm gần 60% giá thành sản xuất phân ure của Đạm Cà Mau, nên VDSC cho rằng ảnh hưởng của sự tăng vọt giá khí lên giá thành sản xuất sẽ được hạn chế một phần. 

Hoàng Kiều