ĐHĐCĐ Viglacera: Đẩy mạnh bất động sản KCN, mua lại 30% cổ phần PFG từ IDICO
Sáng 27/4, Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 tại Hà Nội. Đã có 85 cổ đông tham dự trực tiếp và uỷ quyền 110 người, chiếm 96,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2020 Viglacera đạt 9.433 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 600 tỷ đồng.
Viglacera cho biết, năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt ở Miền Trung đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ trong nước sụt giảm, giá bán giảm làm cho lợi nhuận giảm.
Viglacera đã trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, trong đó dành hơn 493 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 11% cho cổ đông.
Tập trung vào vật liệu xây dựng và bất động sản
Năm 2021 Viglacera đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, riêng doanh thu công ty mẹ ước đạt 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 12%.
Trong đó, doanh nghiệp xác định tiếp tục đầu tư tập trung vào hai lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản.
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2021, công ty cho biết sẽ đầu tư dự án kho chứa và sơ chế nguyên liệu của CTCP Thanh Trì, dự kiến hoàn thành quý III/2021. Trong lĩnh vực sản phẩm vệ sinh, sen vòi, gạch ốp lát tập trung vào các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, dây chuyền thiết bị nhằm nâng cao mức độ tự động hoá, tiết giảm chi phí. Đầu tư máy móc nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm tại Công ty sen vòi Viglacera.
Chuẩn bị đầu tư các dự án mới như Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (CTCP Viglacera Tiên Sơn) công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, phát triển các sản phẩm kích thước lớn, cao cấp đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu .
Nghiên cứu đầu tư các sản phẩm kính cao cấp, kính siêu trắng làm phôi để sản xuất pin năng lượng mặt trời, các sản phẩm kính gia công sau kính chất lượng cao. Tiếp tục phát triển, tăng sản lượng và đa dạng các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, gương cao cấp.
Khảo sát, đầu tư mở rộng và đầu tư mới các mỏ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Nghiên cứu, khảo sát tìm địa điểm mới để đầu tư phát triển các sản phẩm đất sét nung theo công nghệ mớib của CTCP Viglacera Hạ Long.
Đối với lĩnh vực bất động sản, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang khai thác như Hải Yên (182,4 ha), Đông Mai (160 ha), Phú Hà giai đoạn một (356 ha), Tiền Hải (294 ha), Đồng Văn giai đoạn một (300 ha), Yên Phong IIC (221 ha), Yên Phong mở rộng (314 ha), Phong Điền (204 ha) và Yên Mỹ (280 ha).
Năm 2021, công ty cũng sẽ chuẩn bị đầu tư KCN Thuận Thành I gần 250 ha tại Bắc Ninh. Đồng thời khảo sát các KCN mới như Đông Mai mở rộng (145 ha), Hải Yên mở rộng (130 ha), Đông Triều 2, Tiền Hải mở rộng (330 ha), mở rộng KCN Phú Hà (100 ha), tổ hợp KCN nhà ở - dịch vụ tại Yên Bái (496 ha), Dốc đá trắng (288 ha) và các KCN tại Huế khoảng 160 ha (gồm La Sơn, Phong Điền mở rộng).
Triển khai dự án tổ hợp văn phòng thương mại, khách sạn nhà ở Thăng Long NoI giai đoạn ba (Hà Nội), tiếp tục triển khai các dự án nhà ở thành phần tại các khu đô thị hiện có chuyển tiếp từ năm 2020. Đơn cử như nhà ở thương mại 9,6 ha tại Yên Phong, nhà ở thấp tầng giai đoạn hai tại khu đô thị Xuân Phương, các dự án hạng mục đầu tư thành phần tại khu đô thị Đặng Xá 2.
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có và đầu tư khu nhà ở tại Nhà máy Kính Đáp Cầu (Bắc Ninh) diện tích 12,5 ha và dự án khu đô thị, nhà ở quy mô 26 ha tại TP Bắc Ninh. Triển khai dự án khu du lịch sinh thái Vân Hải giai đoạn hai 35 ha.
Đối với công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, lãnh đạo Viglacera cho biết năm 2021 sẽ tăng vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera từ 20 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để thành lập CTCP Đầu tư công nghiệp Viglacera. Tăng vốn điều lệ tại CTCP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ (Hưng Yên) từ 50 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Tìm cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu vốn của Viglacera với số cổ phần chi phối tối thiểu 51% tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG). Thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của CTCP Viglacera Hải Vân dự kiến lên 800 tỷ đồng để triển khai đầu tư và đưa vào vận hành khu khách sạn 5 sao và đầu tư mở rộng giai đoạn hai.
Người Gelex vào Viglacera
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, các cổ đông đã đã chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Luyện Công Minh về việc thôi tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) và thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT công ty theo nguyện vọng cá nhân.
Chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Phạm Ngọc Bích, thôi tham gia Ban Kiểm soát và thôi giữ chức vị Trưởng Ban kiểm soát để nhận nhiệm vụ khác.
Song song, ĐHĐCĐ cũng chấp thuận bầu bổ sung ông Nguyễn Trọng Hiền, thành viên HĐQT độc lập tại Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vào HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP. Và nhất trí bầu bổ sung ông Trần Mạnh Hữu vào Ban kiểm soát năm 2021.
Trước đó, ngày 6/4, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã công bố hoàn thành việc nâng sở hữu tại Tổng công ty Viglacera - CTCP từ 46,07% lên 50,2%. Với tỷ lệ này, Gelex chính thức trở thành công ty mẹ và sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý II/2021.
Viglacera là một trong những doanh nghiệp đầu ngành về vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp. Năm 2020, lĩnh vực vật liệu xây dựng mang về hơn 7.000 tỷ doanh thu với nhiều dòng sản phẩm như kính xây dựng, gạch ốp lát, gạch đất nung, sứ vệ sinh-sen vòi … cùng với hơn 2.000 tỷ đồng từ cho thuê và vận hành khu công nghiệp.
Đây là thương vụ M&A mà Gelex đã theo đuổi trong một thời gian dài khi mà Viglacera được kỳ vọng sẽ là sự bổ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh cũng như tác động tích cực đến các chỉ số tài chính của Gelex.
Viglacera được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của Gelex thông qua việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các mảng kinh doanh chính của Viglacera như phát triển khu công nghiệp và vật liệu xây dựng – những ngành dự kiến được hưởng lợi nhờ sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Sau khi về tay Gelex, giai đoạn 2021-2025, Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 13%/năm. Doanh thu hợp nhất dự kiến tăng bình quân 11%/năm. Đồng thời, hướng tới tổng giá trị xuất khẩu đạt 240 triệu USD, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Để hiện thực hóa được kế hoạch trên, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư trong 5 năm tới với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng với toàn tổng công ty, trong đó riêng công ty mẹ là 13.300 tỷ đồng.
Phần thảo luận
Cổ đông: Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, công ty dự kiến dành 2.400 tỷ đồng để đầu tư vào KCN, cụ thể là những KCN nào? Dự kiến diện tích đất cho thuê năm 2021 là bao nhiêu?
Viglacera: Dựa vào thế mạnh của mình, Viglacera xác định đi theo hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong thời gian tới. Công ty tập trung triển khai cho các KCN dở dang, đã có khách hàng thuê đất, xếp chỗ cho các năm tới. Đó là các KCN Yên Phong IIC, KCN Phong Điền, KCN Tiền hải, Phú Hà và Yên Phong mở rộng
Ngoài ra, công ty dự kiến đầu tư tại KCN Thuận Thành hơn 100 ha vừa được đồng ý chấp thuận. Trong 2.400 tỷ này, phần lớn là kinh phí chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Phần thứ hai được dùng để xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, đây cũng là đầu tư cơ bản tạo tiền đề cho phát triển về sau.
Về quỹ đất cho thuê, dựa vào kết quả các năm trước, chúng tôi ước tính khả năng cho thuê 173 ha trên tổng số 8 KCN đang còn quỹ đất.
Cổ đông: Năm 2020, mặc dù doanh thu giảm song chi phí quản lý doanh nghiệp, bán hàng tăng, vậy chiến lược tối ưu hoá của công ty là gì?
Viglacera: Năm 2020, trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng nhẹ. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu mức tăng đến từ các khoản phải thu, khoản trích lập dự phòng.
Về chi phí bán hàng, mặc dù đại dịch ảnh hưởng tới việc kinh doanh các sản phẩm, nhưng trong năm qua công ty vẫn triển khai các sản phẩm mới do đó vẫn phải tiếp tục thúc đẩy các hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm.
Cổ đông: Viglacera dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên 51% tại Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ. Thế nhưng hiện tại chỉ có ba cổ đông nắm giữ cổ phần tại công ty này, vậy công ty sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên bằng cách nào?
Viglacera: Dự án kính nổi siêu trắng Phú Mỹ được triển khai từ những năm 2013 - 2014 với mức đầu tư khoảng 120 triệu USD, lúc đó tình hình tài chính của công ty chưa được tốt. Do đó, công ty mời đối tác cùng đầu tư để chia sẻ gồm Công ty Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Khải Thịnh góp 35%, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Tổng Công ty IDICO - CTCP) góp 30% và Viglacera góp 35%
Sau quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy để quản lý công ty tốt hơn và mục tiêu của công ty cũng là tập trung vật liệu công nghệ cao mà kính siêu trắng là công nghệ cao nhất. Do đó, hiện tại tình hình tài chính đã tốt hơn, chúng tôi đang đàm phán với hai đối tác còn lại.
Trong đó, IDICO cũng đang muốn tập trung vào lĩnh vực chính là bất động sản khu công nghiệp. Vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh đàm phán với IDICO để mua lại cổ phần, kỳ vọng cao hơn lãi suất ngân hàng.
*Kết thúc ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Viglacera, tất cả các tờ trình đã được thông qua.