Để không thua tại thị trường Philippines
Thế nhưng, đó gần như chắc chắn sẽ là những cuộc chiến gay gắt, nếu không có đối sách đúng, chúng ta cũng không thể tận dụng được cơ hội.
Khi chính sách kiểm soát nhập khẩu bằng thuế quan của Philippines có hiệu lực, có nhiều khả năng gạo nhập khẩu vào Philippines sẽ tăng đột biến, tính bằng con số triệu tấn. Ảnh: T.L |
Thay đổi chính sách, Philippines sẽ nhập khẩu nhiều gạo hơn?
Nếu xét theo mục tiêu tự túc gạo trong hơn hai thập kỷ qua, có thể nói, Philippines đã không thành công, bởi ba căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Philippines có rất ít ruộng, năng suất lại quá thấp và rất bấp bênh, dân số vẫn tăng nhanh, cho nên mục tiêu tự túc lúa gạo rõ ràng là bất khả thi.
Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, ở thời điểm năm 1995, diện tích lúa của quốc đảo này chỉ gần 3,76 triệu héc ta, năng suất chỉ 2,8 tấn/héc ta. Với dân số hơn 69,8 triệu người, sản lượng lúa bình quân đầu người chỉ đạt 151 ki lô gam, bằng 43,5% so với mức 347 ki lô gam của Việt Nam.
23 năm qua, diện tích lúa của Philippines chỉ tăng bình quân 1,12%/năm và đạt 4,84 triệu héc ta, còn năng suất chỉ tăng 1,09%/năm và đạt 3,83 tấn/héc ta, cho nên sản lượng lúa chỉ tăng bình quân 2,22%/năm và đạt 17,47 triệu tấn. Do dân số vẫn tăng bình quân 1,89%/năm và đạt gần 105 triệu người, nên sản lượng lúa bình quân đầu người chỉ nhích lên 167 ki lô gam, giảm mạnh xuống chỉ còn bằng một phần ba so với mức 495 ki lô gam của Việt Nam.
Các kết quả tính toán của FAO cho thấy, tổng tiêu dùng lương thực (bao gồm gạo, bắp, lúa mì và các ngũ cốc khác) bình quân đầu người của Indonesia năm nay là 192 ki lô gam, của Việt Nam là 178 ki lô gam, còn của Philippines chỉ đạt 158 ki lô gam.
Thứ hai, không thể tự cung tự cấp, phải dựa một phần vào nhập khẩu, nhưng nhập khẩu gạo của Philippines lại rất bấp bênh, dẫn đến tổng cung cũng không ổn định.
Các số liệu thống kê của FAO và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, trong 23 năm qua, bình quân mỗi năm Philippines nhập khẩu 1,175 triệu tấn gạo, bằng 12,6% sản lượng hơn 9,3 triệu tấn của nước này.
Thế nhưng, nhập khẩu gạo trong không ít năm lại không tương ứng với khối lượng gạo sản xuất trong nước. Chẳng hạn, sản lượng gạo năm 2014 tăng ngoạn mục 1 triệu tấn (8,4%) so với năm 2013 trong khi nhập khẩu gạo cũng tăng đột biến từ 400.000 tấn lên gần 1,1 triệu tấn; còn sản lượng gạo năm 2015 giảm nửa triệu tấn thì khối lượng gạo nhập khẩu vẫn giữ nguyên. Bước sang năm 2016, trong khi sản lượng gạo giảm 1 triệu tấn (7,8%), khối lượng gạo nhập khẩu cũng giảm gần 550.000 tấn, xuống chỉ còn gần 450.000 tấn. Qua năm 2017, sản lượng gạo tăng không đáng kể so với năm 2016 mà nhập khẩu gạo cũng chỉ tăng hơn 200.000 tấn.
Nhập khẩu gạo “tréo ngoe” với sản xuất như vậy khiến tổng cung gạo (không kể dự trữ) năm 2014 đạt kỷ lục 13 triệu tấn, nhưng liên tục ba năm gần đây giảm mạnh, tổng cộng 1,5 triệu tấn và đây chính là lý do khiến đầu năm nay nước này phải nhập khẩu gạo khẩn cấp và hiện cũng phải tiếp tục nhập khẩu khẩn cấp sau khi bị siêu bão hoành hành.
Thứ ba, giá gạo trồi sụt thất thường và biến động theo chiều hướng tăng chính là “hàn thử biểu” phản ánh rõ ràng nhất sự thất bại trong sản xuất lúa và kiểm soát nhập khẩu gạo nhằm mục tiêu tự cung tự cấp lúa của Philippines.
Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, từ mức đáy 305 đô la Mỹ/tấn năm 2003, giá gạo bán buôn của Philippines hầu như liên tục tăng và đạt kỷ lục 828 đô la Mỹ/tấn năm 2014. Trong ba năm gần đây giá liên tục giảm, nhưng từ đầu năm đến nay đã tăng rất mạnh, đạt 790 đô la Mỹ/tấn, tức là gần chạm mức kỷ lục nói trên. Nếu so với giá bán buôn hiện chỉ là 350 đô la Mỹ/tấn tại vựa lúa An Giang của nước ta, giá bán buôn gạo tại thị trường Philippines cao hơn 2,26 lần.
Khi chính sách kiểm soát nhập khẩu bằng thuế quan của Philippines có hiệu lực, có nhiều khả năng gạo nhập khẩu vào Philippines sẽ tăng đột biến, tính bằng con số triệu tấn.
Phía sau những thành công là áp lực mang tên... Thái Lan
Kể từ khi “bén duyên” với gạo Việt Nam năm 1995 cho đến nay, Philippines đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta.
Các số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, mặc dù Trung Quốc trong sáu năm trở lại đây (2012-2017) đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng hơn 2 triệu tấn/năm, gấp 2,46 lần Philippines đứng thứ hai với 839.000 tấn/năm, nhưng nếu xét cả chặng đường dài 23 năm (1995-2017) thì thị trường Philippines mới đứng đầu với mức xuất trung bình 868.000 tấn/năm, cao gấp rưỡi so với mức 580.000 tấn/năm đã xuất được sang thị trường Trung Quốc.
Nếu nhìn từ phía thị trường nhập khẩu gạo Philippines, chúng ta cũng chính là quốc gia bạn hàng đặc biệt quan trọng của nước này.
Các số liệu thống kê của ITC cho thấy, trong giai đoạn 2001-2017, bình quân mỗi năm Philippines nhập khẩu gần 1,27 triệu tấn gạo. Trong đó, khối lượng gạo mà quốc gia này nhập khẩu của nước ta lên tới 909.000 tấn/năm, chiếm 71,8%; trong khi quốc gia giữ vị trí thứ hai là Thái Lan - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta trên thị trường gạo thế giới - chỉ đạt 240.000 tấn, chiếm 19,0%; còn 23 quốc gia khác chỉ chiếm 117.000 tấn, chiếm 9,2%.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, Thái Lan đã ngày càng gia tăng sức ép cạnh tranh với Việt Nam ở thị trường này. Trong năm năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Philippines chỉ còn nhập khẩu 783.000 tấn. Trong đó, mỗi năm Việt Nam chỉ giành được 483.000 tấn, tức là thị phần giảm xuống chỉ còn 61,7%. Trong khi đó, thị phần của Thái Lan tăng lên 263.000 tấn, chiếm 33,6%.
Chiêu thức giúp Thái Lan tăng mạnh thị phần như vậy chính là giá cả. Trong khi giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam vào Philippines là 393 đô la Mỹ/tấn thì của Thái Lan chỉ là 383 đô la Mỹ/tấn. Năm nay, cũng với chiêu này, rất có thể Thái Lan sẽ giành thị phần lớn hơn Việt Nam, bởi ngay trong tám tháng đầu năm nay Thái Lan đã xuất khẩu sang đây được 704.000 tấn, trong khi Việt Nam chỉ mới đạt được 610.000 tấn.
Nói tóm lại, rất có thể trong năm tới thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc sẽ còn tiếp tục co lại do bị sức ép lớn hơn nữa của Thái Lan nhờ hợp đồng liên chính phủ giữa hai quốc gia này, cho nên ta cần “quyết đấu” với đối thủ cạnh tranh này để không tiếp tục bị lép vế khi cơ hội tăng mạnh nhập khẩu gạo của Philippines mở ra. Việc một doanh nghiệp Philippines đã “nhanh mắt, nhanh tay” ký biên bản ghi nhớ với Vinafood II về việc cung cấp 2 triệu tấn gạo/năm có lẽ cần được ủng hộ để hiện thực hóa.
Xem thêm |