|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp gạo Việt Nam vẫn thụ động với thị trường Philippines dù nhu cầu lớn

09:52 | 10/02/2018
Chia sẻ
Tham dự Hội nghị Tham tán thương mại năm 2017 do Bộ NN&PTNT tổ chức, bà Vũ Việt Nga, tham tán thương mại tại Philippines khẳng định đây là một thị trường đầy tiềm năng đối với nhiều mặt hàng nông – thủy sản của Việt Nam, không chỉ riêng gạo.
doanh nghiep gao viet nam van thu dong voi thi truong philippines du nhu cau lon Nông sản Việt Nam ở nước ngoài 'yếu thế' vì vấn đề thông tin, quảng bá sản phẩm

Bà Nga cho biết, với dân số hơn 100 triệu người, đông dân thứ 2 tại ASEAN sau Indonesia và đứng thứ 15 trên thế giới, trong khi sản xuất nông nghiệp của Philippines không tốt bằng Việt Nam, rất nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm được xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là gạo.

Theo tham tán, người Philippines có truyền thống một ngày ăn 6 bữa cơm, tiêu thụ gạo trên một đầu người tại quốc gia này trong một năm là 110 kg. Vì vậy, gạo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất tại Philippines.

Từ trước tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ biết đến xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines thông qua con đường chính phủ, trong khi kể từ năm 2015, quốc gia này cũng đã nhập khẩu gạo từ Việt Nam thông qua đường tư nhân, với khối lượng nhập khẩu là hơn 300.000 tấn. Đây cũng là hạn ngạch mà Philippines cam kết với WTO.

doanh nghiep gao viet nam van thu dong voi thi truong philippines du nhu cau lon
Bà Vũ Việt Nga, tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines. Ảnh: Lyly.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, hạn ngạch này đã hết hạn và dự kiến quốc hội Philippines sẽ thông qua sửa đổi luật để mở cửa cho thị trường gạo vào năm 2018. Như vậy, nhập khẩu gạo vào Philippines sẽ được tự do. Theo bà Nga, thuế suất nhập khẩu đối với gạo từ Việt Nam vẫn giữ ở mức 35% theo quy định đã ký kết trong thỏa thuận thương mại giữa các nước ASEAN, nhưng đối với các quốc gia ngoài khối liên minh, Philippines dự kiến sẽ áp thuế 50%.

Cùng với đó, chính phủ Philippines dự báo nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của nước này là khoảng 1,5 – 2 triệu tấn gạo. Vì vậy, bà Nga nhận định đây thực sự là một cơ hội lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo bà Nga, khối doanh nghiệp Việt Nam còn khá thụ động và từ trước đến nay chưa có hoạt động xúc tiến thương mại nào đối với gạo, nên thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được người dân Philippines biết đến. Điều này hoàn toàn trái ngược đối với sản phẩm gạo đến được nhập khẩu từ Thái Lan và Nhật Bản, hai quốc gia triển khai xúc tiến thương mại rất tốt. Như vậy, nếu không làm tốt việc quảng bá sản phẩm, khi thị trường Philippines chính thức mở cửa tự do đối với mặt hàng này, doanh nghiệp Việt sẽ trở nên rất khó cạnh tranh.

Về những mặt hàng khác, bà Nga cho biết người dân Philippines cũng thích thịt cá tra, cá trắng, cá phi lê giống như thị trường Mỹ. Xuất khẩu thủy sản sang quốc gia này đạt gần 120 triệu USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, tương tự như với mặt hàng gạo, bà Nga nhận định các doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng lợi thế khi chưa có công ty nào, ví dụ như Vasep, sang làm thương hiệu nên sản phẩm của chúng ta vẫn rất mờ nhạt trong mắt người tiêu thụ Philippines.

Tham tán cho biết thêm, trong buổi họp ủy ban thương mại giữa hai quốc gia vào năm ngoái, thương vụ Việt Nam đã đề nghị nước bạn mở cửa cho thịt gia súc gia cầm của Việt Nam, và cụ thể là thịt heo, thịt gà sau khi có một số doanh nghiệp nước bạn ngỏ ý muốn tìm hiểu.

Thị trường Philippines cũng tiêu thụ nhiều hai sản phẩm này, vì vậy họ muốn đa dạng nguồn cung khi xảy ra vấn đề dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc Việt Nam xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản đã tạo động lực và sự yên tâm cho các doanh nghiệp Philippines.

Mặc dù sẽ còn phải trải qua một tiến trình dài đàm phán và xem xét, một thị trường dễ tính như Philippines thật sự rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, bà Nga nhận định.

Tố Tố