|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản Việt Nam ở nước ngoài 'yếu thế' vì vấn đề thông tin, quảng bá sản phẩm

11:55 | 08/02/2018
Chia sẻ
Tham dự Hội nghị Tham tán Thương mại tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều tham tán thương mại đề nghị phải có sự trao đổi thông tin liên tục và cập nhập về sản phẩm nông sản được xuất khẩu hoặc đang trong vòng đàm phán.

Để giúp các Tham tán có cách nhìn đa chiều về tình hình thương mại nông sản Việt Nam, đồng thời đưa ý kiến đóng góp thúc đẩy nông sản ở nước ngoài, sáng ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định dù nông nghiệp hiện nay chỉ còn chiếm 16% GDP song là ngành đóng góp không nhỏ vào kinh tế Việt Nam, là “một dư địa lợi thế Việt Nam” vì ngành này nhiều năm nay đều cho giá trị thặng dư.

nong san viet nam o nuoc ngoai yeu the vi van de thong tin quang ba san pham
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lyly.

Năm 2017, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,16% so với năm 2016, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD so với năm 2016 và chiếm 20% tỷ trọng xuất khẩu. Thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỷ USD. Trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ trở lên, có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, gồm tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ.

Ngoài ra, năm 2017, nông nghiệp Việt Nam đã tìm được nhiều thị trường nông nghiệp lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi nền sản xuất nhỏ. Quy mô, sản xuất chuỗi tập trung từ nguyên liệu đến chế biến và thị trường chưa chuyên nghiệp nên lợi nhuận kinh tế, kiểm soát chất lượng gặp khó khăn. Cùng với đó, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ là chưa cao vì vậy nông sản xuất sang những thị trường khó tính sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi, một yếu tố khác ảnh hưởng tới hàng hóa nông sản của Việt Nam ở nước ngoài được nhiều tham tán đề cập tới là vấn đề thông tin và quảng bá sản phẩm.

Theo tham tán Việt Nam tại Nhật Bản, mặc dù thương vụ ở nước sở tại rất nỗ lực quảng cáo những nông sản của Việt Nam như trái cây, thịt gà tại các siêu thị ở thị trường này, nhưng tại chính thị trường Việt Nam, mức độ thông tin và truyền thông không tương ứng nên không gây được hiệu ứng cao hơn. Vì vậy, tham tán đề nghị cần có sự phối hợp chiến lược quảng bá giữa thị trường trong nước và thị trường Nhật Bản.

nong san viet nam o nuoc ngoai yeu the vi van de thong tin quang ba san pham
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, tham tán thương mại Việt Nam tại Australia.Ảnh: Lyly.

Trong khi đó, tham tán thương mại Việt Nam tại Australia kiến nghị phải có sự phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành nông nghiệp Việt Nam với thương vụ Australia để tránh tình trạng phản ứng chậm khi xảy ra vấn đề. Đồng thời, tham tán mong muốn được chia sẻ thông tin về quá trình, tiến trình mở cửa, xuất khẩu hay cấm một mặt hàng nào đó để tiến hành quảng bá thị trường, trao đổi hoặc vận động với cơ quan nước sở tại.

Tham tán tại Australia cũng gợi chúng ta không nên quá dễ dàng khi đàm phán với nước sở tại về các nông sản xuất khẩu để tăng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, dùng chiến lược trao đổi để đàm phán.

Tham tán lấy ví dụ về trường hợp xuất khẩu vải sang thị trường Australia đã tốn tới 12 năm đàm phán vì tại thời điểm đó, Việt Nam đồng ý mở cửa cho 38 loại quả của Australia vào Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi Việt Nam chấm dứt chính sách này, Australia đã dễ dàng hơn đối với loại quả khác của Việt Nam, mới đây nhất là thanh long và chanh leo.

Tố Tố