Đau đầu vì nhân viên là... người nhà!
Nhân viên Amazon bị nghi bán thông tin mật của người dùng |
Công ty cổ phần với các cổ đông là thành viên gia đình (ảnh minh họa). |
Đặc biệt, khi doanh nghiệp lớn mạnh, lực lượng nhân sự gia đình không còn phù hợp, dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Mất đồ không dám trình báo công an
“Tôi chắc chắn việc này đã xảy ra thường xuyên rồi, từ vụ này phải truy cho hết các vụ khác. Cậu sắp xếp đi trình báo công an với tôi”, ông T, giám đốc một công ty chuyên về vật liệu xây dựng tại TPHCM, khẳng định chắc nịch với người phụ trách sản xuất. Công ty của ông T có 3 nhà máy cán tôn, thép ở Long An, Bình Dương, TPHCM. Ngoài người phụ trách sản xuất là người ngoài dòng tộc, còn lại hầu hết các vị trí khác đều là do người nhà phía bên nhà nội, ngoại nắm giữ.
Tháng 8.2018, người phụ trách sản xuất kiểm tra camera an ninh ngoài cổng bảo vệ khi xe chở hàng xuất ra khỏi công ty, camera đột nhiên bị ngắt, thấy có điều khả nghi nên anh đã yêu cầu dừng xe cho kiểm tra. Đúng như nghi ngờ, các nhân viên giao hàng đã lấy thêm gần 100 ký tôn ép mỏng, giấu dưới gầm xe để chuẩn bị tuồn hàng ra ngoài. Qua làm việc, các nhân viên này cho biết, để đưa được hàng ra ngoài mà không bị trạm cân và camera phát hiện, họ sẽ bốc hàng đủ với số lượng xuất kho để đi qua trạm cân, sau đó, tắt camera cho xe quay ngược trở lại và cho thêm hàng lên.
“Để có thể làm được một chuỗi các hành vi như vậy, một vài nhân viên giao hàng không thể nào làm được mà phải có sự mốc nối từ kho, trạm cân, bảo vệ… Và không thể chỉ làm một lần này. Tôi sẽ tố cáo việc này lên cơ quan công an để họ điều tra, lôi tất cả những người liên quan ra”, ông giám đốc giận dữ khi được thông báo sự việc.
Người phụ trách chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, trích xuất camera để chuẩn bị đi trình báo cơ quan chức năng thì nhận được điện thoại của giám đốc: “Chắc mọi việc dừng lại ở đây. Cho đội bảo vệ nghỉ, xử lý các cậu nhân viên giao hàng”.
“Tôi biết lý do giám đốc làm như vậy bởi vì người quản lý kho là anh vợ của giám đốc, đội trưởng đội xe là cháu phía đằng vợ của giám đốc, người phụ trách trạm cân cũng là bà con của giám đốc. Nếu việc này mà bung bét, điều tra ra, tổng số tiền thiệt hại tính bằng tiền tỷ thì dễ có người phải chịu án tù, mà như vậy, gia đình giám đốc sẽ không biết thế nào. Mà tôi cũng không hiểu vì sao họ lại nỡ lòng đối xử với ông giám đốc như vậy. Những người anh em, bà con mà giám đốc đưa vào làm việc, họ có năng lực không tốt nhưng vì muốn cho anh chị em có công việc nên giám đốc nhận vào làm, ngoài tiền lương, giám đốc còn cho thêm tiền riêng”, người phụ trách sản xuất kể lại.
Điểm yếu trong quản trị nhân sự
“Sử dụng người trong gia đình, nếu “cơm lành canh ngọt” thì không sao, chẳng may trên công ty có việc gì thì về nhà anh chị em còn không nhìn mặt nhau”, bà M.T, giám đốc điều hành một công ty tư nhân chuyên về nông sản tại TPHCM, chia sẻ. Theo bà T, khởi phát là một cửa hàng rau của mẹ, sau đó bà tiếp nhận, mở rộng. Để chiều lòng mẹ, bà nhận em trai, em dâu, cháu vào làm việc. Ngoài bố trí các vị trí cao trong công việc, tiền lương chi trả cho lực lượng người nhà cũng phải cao.
“Điều tôi đau đầu là nhiều khi anh chị em không chịu hiểu, làm việc rề rà, mình nói nặng lời thì cậu em trai về mách với mẹ. Mẹ tôi lại can thiệp, nhiều khi trong bữa cơm, tôi nuốt miếng cơm không nổi. Chưa kể, vì cứ nghĩ mình là người nhà của giám đốc, công ty của gia đình nên các em tôi cư xử với các nhân viên cũng không được khéo”, bà T thở dài.
Sử dụng người nhà làm lực lượng quản lý nòng cốt là cách mà nhiều doanh nghiệp gia đình vẫn làm hiện nay. Theo các chuyên gia, có thể điểm mạnh của việc này là tạo được sự tin tưởng, đặc biệt là trong giai đoạn mới gầy dựng, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ thì việc sử dụng người trong nhà sẽ có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển, quy mô lớn hơn thì người chủ doanh nghiệp cần một lực lượng chuyên nghiệp, có kỹ năng, trình độ hơn là người nhà. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp gia đình, tư nhân đã “chết” vì chính cách quản trị này: Tin tưởng người nhà, quá tin vào bản thân mà không chịu tiếp nhận cái mới, lực lượng quản trị mới. Đơn cử như một doanh nghiệp vận tải khá lớn, ban đầu đơn thuần chỉ là vận tải, người chủ doanh nghiệp sử dụng người nhà thì khá ổn, tuy nhiên khi doanh nghiệp mở rộng quy mô, lấn sân sang các lĩnh vực khác nhưng lại không chịu đầu tư về con người, vẫn sử dụng lực lượng nhân sự cũ, dẫn đến quản trị sai lầm, thua lỗ, suýt nữa thì giết chết một thương hiệu.
Bên cạnh các doanh nghiệp gia đình không chịu thay đổi cơ cấu nhân sự, sử dụng lực lượng nhân sự ngoài gia đình thì có rất nhiều doanh nghiệp muốn lớn mạnh đã mạnh dạn kêu gọi đầu tư, kêu gọi vốn và để cho các quỹ tài chính cùng tham gia điều hành.
“Chúng tôi vốn là một công ty gia đình, cổ phần do các thành viên trong gia đình nắm giữ. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường gỗ công nghiệp hiện nay, chúng tôi muốn mở rộng sang các nước phát triển thì không thể co cụm mãi được. Nếu cứ co cụm chúng tôi sẽ bị các đối thủ khác vượt lên và tương lai “chết” là cái chắc. Cho nên, để phát triển, chúng tôi phải chia sẻ quyền lực của gia đình ở công ty cho những đối tượng khác, chia sẻ để cùng lớn mạnh, đó là xu hướng tất yếu”, ông C, Tổng giám đốc một công ty gỗ ở Bình Dương nhìn nhận.