|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những gia đình giàu nhất châu Á năm 2023

08:04 | 16/03/2023
Chia sẻ
Trong số những gia đình giàu nhất châu Á năm 2023, phần lớn đến từ Hong Kong và Ấn Độ. Ngoài ra, một số gia đình giàu có ở khu vực Đông Nam Á như gia đình Hartono (Indonesia) hay gia đình Yoovidhya (Thái Lan) cũng có tên trong danh sách này.

Bốn năm trước, khi Bloomberg lần đầu tiên tổng hợp bảng xếp hạng 20 gia đình giàu nhất châu Á, ba gia đình Ấn Độ đã xuất hiện khi nắm giữ khối tài sản ròng có tổng giá trị 87,6 tỷ USD. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 5 gia đình, kiểm soát khối tài sản ròng có tổng giá trị 168,7 tỷ USD và ngang bằng với các triều đại lâu đời của Hong Kong.

Năm nay, mức tăng trưởng nhanh chóng đó đã bị đảo ngược. 5 gia đình Ấn Độ lọt vào danh sách 20 gia đình giàu nhất châu Á, dẫn đầu là gia đình Ambani và Mistry, đã chứng kiến tổng giá trị khối tài sản ròng mà họ nắm giữ giảm 17,1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Hiện tại, các thông tin liên quan tới các tỷ phú Ấn Độ dường như không mấy tươi sáng, đặc biệt khi nhắc đến Gautam Adani, người từng có quãng thời gian leo lên vị trí tỷ phú giàu thứ hai thế giới, song hiện đã rớt khỏi top 10.

Việc các gia đình Ấn Độ chứng kiến sự tụt dốc trong năm nay là lý do chính khiến tổng giá trị khối tài sản ròng của những gia đình giàu nhất châu Á giảm 17,7 tỷ USD xuống còn 478,1 tỷ USD, qua đó có lần giảm đầu tiên kể từ khi bảng xếp hạng hàng năm được công bố vào năm 2019.

Mặc dù có những lý do cụ thể dẫn đến sự sụt giảm khối tài sản ròng mà từng gia đình giàu có ở Ấn Độ đang nắm giữ, ví dụ như đơn vị hóa dầu của ông Ambani phải chịu thuế xuất khẩu nhiên liệu cao hơn, song tất cả hiện phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng liên quan tới tỷ phú Gautam Adani và tập đoàn của ông, Adani Group.

James Crabtree, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tại Châu Á của International Institute cho biết: “Sự thống trị liên tục của tỷ phú Gautam Adani và các đồng nghiệp của ông đã đặt ra những câu hỏi phức tạp về quỹ đạo và tính bền vững đối với câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Ấn Độ”.

Gautam Adani, người đã phủ nhận các cáo buộc của Hindenburg Research, với tư cách là một ông trùm thế hệ thứ nhất không có tên trong bảng xếp hạng dành riêng cho các gia đình giàu nhất châu Á của Bloomberg.

Tuy nhiên, một số thực tiễn được đặt câu hỏi trong báo cáo của Hindenburg - chẳng hạn như các nhóm điều hành bao gồm các thành viên gia đình và dòng tiền nội bộ công ty để hỗ trợ các bộ phận đang gặp khó khăn - không phải là câu chuyện hiếm gặp tại Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung.

Đối với một số tập đoàn lớn do gia đình kiểm soát, hoạt động trong mọi lĩnh vực từ nhiên liệu hóa thạch đến thực phẩm, những thứ như vậy chỉ là cách kinh doanh được thực hiện. Đối với các nhà đầu tư ở London hoặc New York, đó có thể là lý do để họ rời đi.

Giá trị khối tài sản ròng của các gia đình giàu nhất châu Á năm 2023. (Nguồn: Bloomberg - Doanh Chính tổng hợp).

Quản trị luôn là một chủ đề quen thuộc đối với các gia đình giàu có ở châu Á. Một số gia đình, như gia tộc Lee của Tập đoàn Samsung, đã trải qua những thay đổi đáng kể. Sau khi đơn giản hóa cấu trúc công ty và giải quyết vấn đề vị trí lãnh đạo bị bỏ trống kéo dài sau nhiều năm, giá trị khối tài sản ròng của gia đình họ Lee đã tăng 2,2 tỷ USD trong năm qua.

Gia đình kiếm được nhiều tiền nhất trong năm qua được mệnh danh là “gia đình không thích nợ nần”: Yooovidhyas của Thái Lan. Gia đình làm giàu nhờ đế chế Red Bull đã kiếm được thêm 7,8 tỷ USD trong năm qua khi người tiêu dùng ở châu Âu uống nhiều nước tăng lực hơn kể từ khi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ở châu Âu liên quan tới đại dịch COVID-19 được gỡ bỏ.

Nhìn chung, các gia đình giàu có bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ vẫn tương đối ổn định khi tổng giá trị khối tài sản ròng mà họ nắm giữ chỉ giảm dưới 1 tỷ USD trong năm qua, ngay cả khi thị trường có một năm đầy biến động.

Với việc các công ty có trụ sở chính tại các quốc gia ở khu vực châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cách giới siêu tinh hoa của Ấn Độ quản lý quá trình chuyển đổi khi các gia tộc giàu có ở nước này ngày càng quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.

“Ấn Độ không phải là nền kinh tế mới nổi duy nhất trên toàn cầu có bối cảnh doanh nghiệp bị chi phối bởi các ông trùm khai thác mỏ và các tập đoàn gia đình. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện đang là nơi mà điều này diễn ra một cách rõ ràng nhất”, Crabtree nói.

Anh Nguyễn