Những thế hệ giảng viên bách khoa ở công ty ‘bà giáo’ Nguyễn Thị Hòe
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe từng có mặt trong danh sách 1.000 nữ phụ được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2005.
Tuổi ngoài 70, nhà khoa học, doanh nhân Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, vẫn miệt mài mỗi ngày hơn 10 tiếng đồng hồ trong phòng thí nghiệm. Người sáng lập đế chế sơn này cũng thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học thế giới, và tự hào mình chỉ tạo ra những sản phẩm với thương hiệu Việt tốt nhất cho thị trường, còn điều hành, phát triển sản xuất từ rất sớm bà đã giao cho con, cháu. Đây cũng là cách nữ doanh nhân này tạo cho các thế hệ kế tiếp nối nghiệp, phát triển công ty gia đình.
Ngược ra nước ngoài vì… không có tiền làm quảng cáo
Cuối năm 2017, thông tin nhiều công trình quy mô tại Singapore như Vivo City, bệnh viện Ng Teng Fong, bệnh viện Connexion, nhà máy Rolls-Royce cùng dùng sơn Việt Nam gây ngạc nhiên lớn cho thị trường sơn. Nhiều người bắt đầu chú ý tìm hiểu Kova là ai, dù thương hiệu này có từ năm 1993.
PGS TS Nguyễn Thị Hòe, người sáng lập sơn Kova, cho rằng một trong những thành công của mình khi xây dựng doanh nghiệp là có con cháu đồng hành, kế nghiệp. Ảnh: N.Hà |
Chia sẻ về quyết định đưa sơn Kova xâm nhập Singapore, một thị trường khó tính và có tính cạnh tranh cao với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, PGS. TS Nguyễn Thị Hòe cho biết đó là một quyết định liều lĩnh.
Bà nói mình không có nhiều tiền làm quảng cáo, tiếp thị, nhưng tự tin chất lượng sản phẩm, nên phải tiếp cận thị trường khó tính để có “giấy thông hành” cho các thị trường khác, kể cả bán trong nước.
Những ngày đầu chào hàng, phía đối tác của quốc đảo sư tử phản hồi: “Việt Nam chỉ xuất khẩu được đồ mây tre hay thực phẩm, khoa học kỹ thuật làm sao đấu nổi với các nước khác”.
Không nản lòng và cũng “tự ái”, bà quyết định mở văn phòng tại đây để tìm hiểu thị trường địa phương. Ít vốn và không biết làm quảng cáo, bà chọn cách đưa sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore để khẳng định chất lượng.
Sau nhiều nỗ lực, sơn Kova được sử dụng rộng rãi tại nhiều công trình địa phương như siêu thị, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, các công trình công cộng… từ năm 2006.
Kova là một ví dụ điển hình cho mô hình doanh nghiệp gia đình được vận hành bởi những nhà khoa học. Trước 2015, doanh nghiệp này khá “kín đáo”, chỉ tập trung nghiên cứu, làm ra sản phẩm và bán theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, thậm chí tên sản phẩm ra thị trường còn đặt bằng những ký hiệu khó nhớ trong phòng thí nghiệm…
PGS TS Nguyễn Thị Hòe thừa nhận mình và thế hệ thứ 2, chính là các con bà, thời đó kinh doanh bằng khoa học, với phương châm tập trung sản xuất ra sản phẩm tốt nhất có thể, mảng thương mại, xây dựng thương hiệu gần như bỏ trống. Thậm chí, nhiều người không biết đây là sản phẩm của Việt Nam.
Bà kể hành trình “đòi” lại chất chống thấm CT – 11A suốt nhiều năm qua và mới được “trả” gần đây, cũng có nguyên nhân từ câu chuyện không chú ý nhiều đến việc xây dựng thương hiệu. Năm 1993, chống thấm Kova thế hệ đầu tiên ra đời, bà Hòe đặt tên đơn giản kiểu trong phòng thí nghiệm là CT- 01, hiểu CT là chống thấm. Đến lần thử nghiệm thứ 11, chất chống thấm mang tên ‘phòng thí nghiệm’, là CT-11A đã làm thay đổi cuộc đời bà và cả gia đình, nhưng cũng làm bà hết sức vất vả. Bởi tên gọi lộn xộn giữa ký tự và số CT-11A, doanh nghiệp không xin được bảo hộ thương hiệu, và bị các doanh nghiệp khác sử dụng tràn lan.
Hiện CT-11A dẫn đầu thị phần chống thấm dân dụng tại Việt Nam, vượt cả những tên tuổi ngoại. Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, chất chống thấm của Kova đang chiếm khoảng 49% thị phần.
Công ty của những nhà khoa học
Ngoài PGS, TS Nguyễn Thị Hòe, với hơn 30 năm giảng dạy Hóa vô cơ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và TP.HCM, con trai, con gái và con rể của bà, những người đang đảm nhận việc điều hành, kỹ thuật sản xuất cũng đều từng là giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM...
Đội ngũ kế cận, những người tiếp tục công việc nghiên cứu, điều hành sản xuất của "bà giáo" làm sơn. Ảnh: N.Hà. |
Người sáng lập Kova luôn tự hào bà chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối công việc nguyên cứu của mình từ rất sớm. Người gánh vác nhiệm vụ này là bà Ngô Thị Ái Linh, con gái của bà, hiện cũng là Giám đốc Kỹ thuật của tập đoàn. Bà Linh có xuất phát giống hệt mẹ, từng là giảng viên khoa Hóa của ĐH Bách Khoa TP.HCM.
Một nhà giáo khác cũng xuất thân từ ĐH Bách Khoa TP.HCM là ông Nguyễn Khôi, Giám đốc Công nghệ sản xuất, người đứng sau thiết kế toàn bộ hệ thống dây chuyền, máy móc tại các nhà máy, là con rể bà Hòe. Không ít kỹ sư trong đội ngũ nghiên cứu hiện nay là học trò của bà Hòe, đã gắn bó với Kova từ ngày thành lập đến nay.
Câu chuyện làm sơn của PGS, TS Nguyễn Thị Hòe được bà kể bắt đầu từ sự khó khăn của chính gia đình mình và của đất nước gần 30 năm trước. Bà nói hồi đó đất nước mới thống nhất, nhà nào cũng mong đủ ăn đủ mặc, không ai dám nghĩ về làm đẹp cho ngôi nhà. Những đêm mưa xoay trở trong căn nhà dột, bà luôn trăn trở chuyện làm ra căn nhà không chỉ để che nắng che mưa mà phải đẹp, hiện đại. Bà cùng các đồng sự đã dành nhiều năm nghiên cứu sản phẩm sơn bằng nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam. Với đề tài sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu về sơn, năm 1993, PGS TS Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Kova chính là chữ viết tắt của giải thưởng được nhận.
Chủ tịch Kova luôn tâm niệm nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công. Thành công đối với bà là đưa nghiên cứu ra thực tế, sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Bà nói nhờ kinh doanh bằng các công trình mình nghiên cứu, làm ra các sản phẩm không ai có, doanh nghiệp mới có tiền để tái đầu tư, nghiên cứu hay làm từ thiện, duy trì và mở rộng giải thưởng Kova suốt 14 năm qua.
Thế hệ thoát khỏi khuôn mẫu công ty gia đình
Sau 25 năm, Kova đã có 8 nhà máy, hơn 10 công ty sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Malaysia, Singapore, Campuchia… cùng hơn 1.000 nhà phân phối.
Chia sẻ chuyện chuẩn bị cho thế hệ kế cận quá sớm, bà Hòe nói mình đã trải qua bao vất vả, gian truân và cũng vô cùng tâm huyết để sáng lập nên doanh nghiệp, nên Kova được xem là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất cuộc đời mình. Chính vì vậy mà có con cháu đồng hành, kế thừa là điều bà tâm huyết và bà coi đó là thành công.
Thế hệ thứ 3 đã tham gia kế nghiệp doanh nghiệp sơn mà nhà khoa Nguyễn Thị Hòe gầy dựng. Ảnh: N.Hà. |
“Chuyện kế nghiệp ở các công ty gia đình tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Tôi nghĩ mình may mắn cũng nhờ các con, cháu đã chứng kiến những đêm trắng tôi thao thức, cảm nhận được khó khăn trong những giọt mồ hôi, nước mắt, những chuyến đi tìm thị trường nơi đất khách đơn độc và đầy thử thách tôi đã trải qua, nên chúng trân trọng và có trách nhiệm với sự nghiệp tôi tạo dựng”, bà Hòe nói.
Còn bà Ngô Thị Ái Linh chia sẻ vốn là nhà khoa học nên cách làm việc và quan điểm của mẹ bà rất rõ ràng: Đã giao quyền thì tin tưởng tuyệt đối, việc ai nấy làm và mọi người được quyền sáng tạo, tự quyết trong công việc.
Bà cũng học từ mẹ để hướng nghiệp, hỗ trợ cho con trai, chính là Nguyễn Duy, CEO Kova Trading, thế hệ thứ 3 đang cùng điều hành doanh nghiệp gia đình này.
Nguyễn Duy, một trong những gương mặt trong danh sách under 30 năm 2018, do Forbes Việt Nam bình chọn, sinh năm 1989 đã có thâm niên điều hành doanh nghiệp gần 4 năm. Duy cho rằng từ khi còn đi học, những lần chứng kiến bà phải vất vả trong phòng thí nghiệm, một mình ra nước ngoài tiếp thị sản phẩm, rồi đến ba mẹ cũng vất vả vì công ty, anh đã tự biết trách nhiệm cáng đáng công việc gia đình.
Mê nghiên cứu, Duy vẫn chọn học Kinh tế - Tài chính tại Singapore và thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Anh, học xong đầu quân về Kova, tham gia phát triển kinh doanh. Kova Trading được Duy thành lập năm 2015 đảm nhận mảng phân phối, phát triển thị trường, chiến lược kinh doanh…
Nói về quyết định đầu tư mạnh vào thương mại, làm thương hiệu gần đây của Kova, ông Nguyễn Khôi, cũng là ba ruột Duy, cho rằng: “Chúng tôi là giáo viên, người làm nghiên cứu khi chuyển sang kinh doanh chỉ làm tốt về mặt kỹ thuật. Việc tiếp thị hay bán hàng đang trông chờ vào thế hệ thứ ba”.
Với sự tham gia điều hành từ thế hệ thứ 3, Kova lần đầu tiên có một công ty chuyên về thương mại. Các thành viên trong gia đình không phải vừa làm nghiên cứu vừa kiêm kinh doanh, với quan niệm “có bao nhiêu làm bấy nhiêu” như trước. Đây được đánh giá là sự lột xác mới mẻ so với hình dung trước đó về một công ty gia đình “kín đáo” như Kova.
Thay đổi mô hình quản lý kiểu gia đình, thế hệ thứ 3 của doanh nghiệp này cho biết đang tìm tòi, nghiên cứu các mô hình công ty gia đình của thế giới để chọn một lối đi phù hợp cho Kova.
Nói về áp lực và cái nhìn chưa thông cảm của nhiều người về xuất thân quá thuận lợi của mình, Duy chia sẻ anh từng tránh nhắc đến mối quan hệ với các lãnh đạo Kova, đặc biệt là bà ngoại. Nhưng bây giờ anh đã cởi mở hơn và xem đó là một niềm tự hào.
“Kova một tay bà tôi miệt mài nghiên cứu ngày đêm về công nghệ, ba mẹ tôi lo về sản xuất, các bác lo quản lý, kinh doanh ở thị trường miền Bắc và nước ngoài. Gia đình đã truyền cho tôi nguồn động lực mạnh mẽ để tiếp nối”, thế hệ thứ 3 của đế chế sơn “made in Vietnam” nói.