Dấu chân nước (Water Footprint) là gì? Phân biệt với nước ảo
Hình minh hoạ (Nguồn: youthincmag)
Dấu chân nước
Khái niệm
Dấu chân nước trong tiếng Anh được gọi là Water Footprint.
- Dấu chân nước được định nghĩa là tổng lượng nước dùng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi một cá nhân, cộng đồng hay được tạo ra bởi một doanh nghiệp.
- Dấu chân nước là một chỉ số về sử dụng nước cả trực tiếp và gián tiếp của một người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất.
Dấu chân nước của một quôc gia là tổng lượng nước dùng trong sản xuất tất cả các hàng hóa và dịch vụ được cư dân của quốc gia đó tiêu thụ.
Các thành tố
Dấu chân nước bao gồm 3 thành tố:
- Dấu chân nước xanh lục (Green water footprint): là lượng nước mà cây cối hấp thu có nguồn gốc từ nước mưa và không bị ngấm vào lòng đất.
- Dấu chân nước xanh lam (Blue water footprint): là lượng nước lấy từ nước mặt hoặc nước ngầm sử dụng trong công – nông nghiệp.
- Dấu chân nước xám (Grey water footprint): là lượng nước cần thiết để hòa loãng nguồn nước ô nhiễm, đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nguồn nước.
Phân biệt với nước ảo
Lượng nước ảo của một sản phẩm là khối lượng nước được dùng để sản xuất ra sản phẩm, được đo đạc tại nơi sản xuất thực tế.
Lượng nước ảo cũng có thể định nghĩa là khối lượng nước cần thiết đối với sản phẩm tại vị trí nơi sản phẩm đó tiêu thụ nước. Tính từ "ảo" muốn chỉ thực tế là hầu hết nước dùng để sản xuất ra sản phẩm, nó không chứa trong sản phẩm.
Có thể nhận biết sự khác biệt giữa khái niệm nước ảo và dấu chân nước qua đơn vị tính của chúng.
Trong khi đơn vị tính của nước ảo là m nước/tấn sản phẩm thì đơn vị tính của dấu chân nước là m3 nước/đầu người/năm hay m3 nước/năm.
Lấy ví dụ: Làng A có 1.000 ha lúa nước, canh tác 2 vụ lúa/năm, năng suất lúa cả năm là 8 tấn/ha, nhu cầu dùng nước của lúa nước là 10.000 m3/ha/năm.
Như vậy, lượng nước ảo sản xuất lúa của làng A sẽ là 10.000 m3/ha: 8 tấn/ha = Ì .250 m3/tấn.
Dấu chân nước của sản xuất lúa tại làng A là 10.000 m3/ha X 1.000 ha = 10.000.000 m3 nước.
Khái niệm về nước ảo và dấu chân nước được sử dụng để mô tả các mối quan hệ trong quản lí tài nguyên nước, ngoại thương và các vấn đề chính trị, chính sách và sử dụng tài nguyên nước khi nó gắn với việc tiêu thụ nước của con người.
Chúng được dùng để minh họa cho ảnh hưởng thực tế của hoạt động kinh tế đến nước.
(Tài liệu tham khảo: Wild Act Challenge. Cổng thông tin điện tử Tổng cục Môi trường. Water Education Network of Vietnam)