|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dân Trung Quốc đổ xô mua hàng nội, doanh nghiệp Mỹ sợ bị tẩy chay toàn diện

13:34 | 24/10/2019
Chia sẻ
Làn sóng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc lan tỏa trên khắp Trung Quốc đang thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang mua sắm hàng nội địa, và đây có thể là tin rất xấu đối với doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các ông lớn như Apple, General Motors,... và nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ.
1

Người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô mua hàng nội địa, doanh nghiệp Mỹ sợ bị tẩy chay trên diện rộng. (Ảnh: Bloomberg)

Khi một nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm một ngôi sao để quảng cáo cho dòng xe điện mới vào đầu năm nay, công ty đối tác đã đề xuất nam diễn viên "Captain America" Chris Evans.

Kí hợp đồng với một trong những ngôi sao Avengers: Endgame, bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, là lựa chọn hoàn hảo cho chiến dịch quảng cáo mang tính toàn cầu của hãng xe hơi trên, công ty đối tác nhận định. Tuy nhiên, đề xuất lại bị từ chối thẳng thừng.

"Họ nhìn đề xuất và nói: 'Chúng tôi có rất nhiều nhà đầu tư người Trung Quốc. Quá mạo hiểm nếu chúng tôi đầu tư hình ảnh vào Captain America khi Mỹ - Trung đang tranh chấp thương mại'", ông Michael MacRitchie, nhà sáng lập của công ty MGI Entertainment (Sydney), chia sẻ.

Hãng xe hơi lên kế hoạch quảng bá cùng một ngôi sao người Trung Quốc, ông MacRitchie nói, từ chối tiết lộ tên hãng xe.

Chủ nghĩa dân tộc và tâm lí chống Mỹ

Ngay cả trước khi các nhà bán lẻ Trung Quốc loại hàng hóa của NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) ra khỏi kệ hàng để đáp trả cho việc một giám đốc giải NBA ủng hộ biểu tình dân chủ ở Hong Kong, cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm đã làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc và tâm lí chống Mỹ trong người dân Trung Quốc.

Theo Bloomberg, tâm lí này đang ngày càng lan tỏa vào quyết định marketing của doanh nghiệp và thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các gã khổng lồ như Apple chứng kiến thị phần ở đất nước tỉ dân suy giảm dần.

Trong khi đó, một số thương hiệu Mỹ khác như Coach và Calvin Klein phải vội vã đưa ra lời xin lỗi công khai vì một số sản phẩm mang tính nhạy cảm chính trị.

Ngay cả khi hai nước "đình chiến" thương mại, các giám đốc marketing cho biết thiệt hại lâu dài cho thương hiệu đều đã xuất hiện.

Chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã được sử dụng như một vũ khí tiếp thị trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, nơi nhiều doanh nghiệp như Walmart, American Apparel và New Balance sử dụng nhãn "Made in America" như một biểu tượng của chất lượng.

Trung Quốc cũng nổi tiếng là từng đóng băng hoạt động của nhiều công ty tài chính và công nghệ Mỹ trong nhiều năm để nuôi dưỡng các thương hiệu trong nước.

Tuy nhiên, thời trang, xe hơi, mĩ phẩm, thực phẩm và các thương hiệu hàng tiêu dùng khác của phương Tây lại gần như không chịu lệnh hạn chế bán hàng trên đại lục và được nhiều thành phần ưu tú của Trung Quốc xem là biểu tượng cho địa vị xã hội của họ.

Thương hiệu nội địa Huawei, Vivo, ... sánh vai cùng hàng Mỹ

Chủ nghĩa dân tộc đang thay đổi những người tiêu dùng như anh Ziyu Sun (23 tuổi), hiện đang sinh sống ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc.

Anh cho biết chủ nghĩa này là lí do đằng sau việc anh mua một chiếc điện thoại Huawei, thêm vào đó anh còn đọc nhiều bài viết trực tuyến trên trang web mua sắm Taobao của Alibaba và Weibo, trong đó khuyến khích sử dụng thương hiệu nội địa. "Tuy nhiên, chất lượng của điện thoại Huawei cũng rất tốt", anh Sun nói.

1

Người dân Trung Quốc đổ xô đi mua điện thoại Huawei vừa xuất phát từ lòng yêu nước và vừa do sản phẩm có chất lượng tốt. (Ảnh: Bloomberg)

Trường hợp của Yongming Su, một giáo viên cấp ba ở Bắc Kinh, cũng tương tự. Anh Su chỉ vào chiếc điện thoại Vivo của mình như một ví dụ cho thấy nếu mọi thứ đều bình đẳng, anh sẽ "ủng hộ và mua các thương hiệu nội địa thay vì hàng ngoại nhập".

Tư duy trên có thể đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Mỹ vào năm 2020. Mỹ đã bán gần 120 tỉ USD hàng hóa cho Trung Quốc vào năm 2018, khiến nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc sau Canada và Mexico, theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung.

Nhiều thương hiệu Mỹ như Nike, Apple và General Motors (GM) đã đặt triển vọng tăng trưởng vào khách mua sắm ở đất nước đông dân nhất thế giới - Trung Quốc. GM, hãng xe hơi lâu đời nhất nước Mỹ, hiện tại đang bán nhiều xe vào Trung Quốc hơn là tại quê nhà.

"Tâm lí người tiêu dùng là thứ mà chúng tôi rõ ràng đang theo dõi sát sao", Chủ tịch GM khu vực Trung Quốc Matt Tsien cho hay.

Screenshot (206)

Huawei lớn nhanh "như thổi" chỉ sau gần 10 năm, thị phần ở Trung Quốc tăng từ 3% năm 2010 lên 37% năm 2019. (Ảnh: Bloomberg/IDC)

Doanh nghiệp Mỹ lo sợ bị tẩy chay toàn diện ở Trung Quốc

Một số doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng việc người dân Trung Quốc ưu tiên dùng hàng nội địa có thể biến thành một cuộc tẩy chay toàn diện đối với hàng hóa Mỹ, như từng xảy ra khi Bắc Kinh cấm người tiêu dùng mua hàng hóa Hàn Quốc năm 2016.

Theo Viện Nghiên cứu Hyundai, động thái trên đã khiến doanh nghiệp Hàn Quốc tuột mất khoảng 15,6 tỉ USD doanh thu, gây thiệt hại cho nhiều gã khổng lồ, đặc biệt phải kể đến công ty điều hành chuỗi siêu thị Lotte Shopping và Hyundai Mortor.

Nhiều thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là các hãng sản xuất đồ điện tử như Huawei Technologies và Xiaomi, hiện đang ở cùng đẳng cấp với các đối thủ phương Tây.

Chất lượng gia tăng và ngân sách quảng cáo lớn đã khiến khách hàng tin dùng sản phẩm và xem đây là những thương hiệu thân thuộc. Tuy nhiên, niềm tự hào dân tộc được khuếch đại cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của doanh nghiệp nội địa.

"Các thương hiệu nội địa đang tăng cường niềm tin ngày càng lớn của người tiêu dùng", theo một báo cáo gần đây về các thương hiệu phổ biến nhất của Trung Quốc do công ty tư vấn Prophet thực hiện.

Năm 2019, các công ty Trung Quốc như Huawei và hãng sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology đã vượt qua những doanh nghiệp Mỹ từng một thời khó với tới như Apple và Nike trong danh sách 10 thương hiệu được yêu thích nhất Trung Quốc, theo khảo sát thường niên trên 13.500 khách hàng của Prophet.

Các thương hiệu nội địa chiếm một nửa trong danh sách 50 thương hiệu hàng đầu năm 2019, trong khi ba năm trước chỉ xuất hiện 18 cái tên. Alipay, ứng dụng thanh toán của Alibaba Group Holding và Huawei thậm chí còn chiếm hai vị trí hàng đầu.

Nhận thức về thương hiệu còn mang theo lợi nhuận. Theo công ty tư vấn IDC, Huawei hiện là công ty bán điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc, chiếm 37% thị phần. Apple chỉ chiếm 7% thị phần, giảm từ mức 11% năm 2012, thời điểm mà Huawei chỉ là hãng kinh doanh điện thoại lớn thứ 5 ở Trung Quốc.

Trang web mua sắm nổi tiếng của Alibaba là Tmall cho biết doanh số của các thương hiệu nội địa đã tăng vọt trong ngày Quốc khánh nhờ "làn sóng yêu nước" gắn liền với lễ kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tmall cho hay 8 trong 10 thương hiệu mĩ phẩm có doanh thu cao nhất trên nền tảng đến từ Trung Quốc và một video game có tên "Homeland Dream" do Tencent Holdings phát triển chễm chệ ở đầu bảng xếp hạng về lượt tải.

Trên tất cả danh mục của Tmall, ba phần tư thương hiệu đều mang nhãn "Made in China" trên các trang sản phẩm, tăng so với chưa đầy 50% hồi năm 2017, theo công ty nghiên cứu Gartner L2.

Một nghiên cứu khác từ Nielsen hồi tháng 8 cho thấy 68% người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích các thương hiệu nội địa.

Yên Khê

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.