Muôn vàn khó khăn của doanh nghiệp đồ điện tử Trung Quốc trong vòng xoáy chiến tranh thương mại
Ngành sản xuất thiết bị điện tử của Trung Quốc đang chịu sức ép lớn từ chiến tranh thương mại. (Ảnh minh họa: AP)
Kinh doanh sa sút là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử Trung Quốc
Bà Ada Yeung đến Hội chợ Điện tử Hong Kong hàng năm để gặp gỡ khách hàng tiềm năng cho sản phẩm tai nghe và loa do công ty bà sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm nay, công ty của bà Yeung đã mất 70% hoạt động kinh doanh vì thương chiến Mỹ - Trung và đang rất cần khách hàng mới.
Phần lớn thiết bị do Xinvo Industry Company (Thâm Quyến), nơi bà Yeung đảm nhiệm vị trí Giám đốc bán hàng quốc tế, xuất khẩu trước đây đều hướng đến thị trường Mỹ.
Tuy nhiên khi Tổng thống Trump áp thuế quan trừng phạt nặng tay lên hàng hóa Trung Quốc, bà Yeung phải tìm kiếm khách hàng mới ở châu Âu và Nam Mỹ để bù đắp một phần thiệt hại do thuế quan gây ra. Cụ thể, doanh số của Xinvo đã sụt giảm gần 3/4.
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài lâu hơn, Xinvo sẽ chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bà Yeung cho hay. Bà này đang xem xét chọn địa điểm ở Bangladesh và Việt Nam.
Chúng tôi cũng sản xuất thiết bị gốc cho một thương hiệu tai nghe lớn của Mỹ, nhưng chưa nhận được bất kì đơn hàng nào từ họ trong năm nay
Giám đốc Yeung chia sẻ.
Bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và biểu tình ở Hong Kong, Hội chợ Điện tử Hong Kong của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) diễn ra mà không gặp sự cố nào, ban tổ chức khẳng định.
Tuy nhiên, các gian hàng tham gia sự kiện thường niên này cho biết khách hàng quốc tế ít hơn hẳn so với năm ngoái. Một nhà xuất khẩu phần cứng gaming nhận định "sự kiện năm nay đã thất bại".
Trả lời tờ South China Morning Post, HKTDC khẳng định một loạt thương hiệu đồ điện tử, nhà bán lẻ và phân phối từ Trung Quốc đã tham dự triển lãm, trong khi các khách hàng xa đến từ CH Séc, Romania, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và thậm chí là Iran cũng có mặt.
Tuy nhiên, HKTDC không đề cập đến khách hàng đến từ Mỹ. Theo các doanh nghiệp trưng bày tại Hội chợ thì số đại diện của nước Mỹ không nhiều.
Một số ít doanh nghiệp Mỹ có mặt chỉ để tìm kiếm sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải Trung Quốc, vì hàng hóa Việt Nam không chịu ảnh hưởng của thuế quan thương mại.
Trong 8 tháng đầu năm nay, cả xuất và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao lần lượt giảm 2,1% và 6,9% so với cùng kì năm ngoái. Theo Liên đoàn Công nghệ Thông tin Trung Quốc, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện khác giảm 15,1%, còn xuất khẩu tấm màn hình tinh thể lỏng giảm 6,6%.
Theo South China Morning Post, thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực nghiêm trọng lên ngành điện tử dẫn đầu thế giới của Trung Quốc. Số liệu mới công bố trong tuần này cho thấy khi cuộc chiến thương mại leo thang, xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc giảm xuống.
Điều thú vị là, nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và TV, dự kiến đến ngày 15/12 tới đây mới bắt đầu bị đánh thuế.
Tuy nhiên, không khí thương mại nguội lạnh giữa hai nền kinh tế là quá đủ để doanh nghiệp Mỹ không muốn tiếp tục làm ăn với nhà cung ứng Trung Quốc.
Chuyển sản xuất đến Việt Nam nhưng gặp rào cản vì tiêu chuẩn nhãn "Made in Vietnam"
Bất chấp khả năng Mỹ - Trung sẽ kí thỏa thuận giai đoạn đầu tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào tháng 11 ngày càng cao, kì vọng chủ yếu xoay quanh độ lớn của thỏa thuận. Nó có thể dẫn đến việc tạm ngưng một số thuế quan, nhưng các mức thuế hiện tại nhiều khả năng vẫn giữ nguyên.
Hơn nữa, vốn là đặc trưng của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 18 tháng qua, chu kì leo thang và hòa giải liên tục giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu này khiến nhiều doanh nghiệp dửng dưng với loạt thông báo đàm phán thương mại tiến triển tốt hoặc sụp đổ, theo các diễn giả tại một diễn đàn chuỗi cung ứng do công ty kiểm toán Qima tổ chức hôm 17/10.
Dự đoán trước rằng tình hình của các nhà xuất khẩu đồ điện tử Trung Quốc sau cùng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn mặc dù hai nước đang "đình chiến", một số công ty tại sự kiện thường niên trên đã hòa vào dòng doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
SZ Telstar đã chuyển nhà máy từ Thâm Quyến sang tỉnh Bắc Giang vào tháng 7 để tránh phải trả thuế quan cho khối lượng hàng xuất khẩu tương đối lớn của họ sang thị trường Mỹ.
Gian hàng của SZ Telstar tại hội chợ năm nay trưng bày một loạt máy chiếu bluetooth với nhãn "Made in Vietnam" - một tín hiệu gửi đến khách hàng tiềm năng rằng đây là những thiết bị không bị ảnh hưởng bởi thương chiến. Tuy nhiên, việc SZ Telstar chuyển cơ sở khỏi Thâm Quyến không hề dễ dàng.
Hàng hóa có hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu là 40% mới được xem là sản phẩm "Made in Vietnam".
Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc từ 30% đến 60% do chuỗi cung ứng của Việt Nam chưa hoàn thiện. Chúng tôi đang tìm mọi cách có thể để mua thêm nguyên liệu từ Trung Quốc.
Bà Amy Chen, quản lí cấp cao của SZ Telstar, cho hay.
Bà Chen còn nói thêm, cơ sở hạ tầng và logistics của Việt Nam cũng tụt hậu so với Trung Quốc, khiến SZ Telstar gặp khó trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ logistics sau ba tháng di dời sản xuất. Đây là một thách thức chung đối với các nhà sản xuất Trung Quốc khi chuyển sang Đông Nam Á.
Một công ty vẫn làm ăn tốt vì giá cả quá cạnh tranh
iStar, một công ty khác có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên sản xuất bộ điều khiển video game, cũng phải chịu thiệt hại vì thuế quan do 40% thị phần của hãng là ở Mỹ.
Lẽ ra tình cảnh của iStar có thể đã tồi tệ hơn hiện nay rất nhiều vì trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, thị phần của hãng ở Mỹ lên tới 90%. Tuy nhiên trong nhiều năm iStar đã đa dạng hóa cơ sở khách hàng để quản lí rủi ro tốt hơn.
Dù vậy, công ty hiện không có ý định chuyển sản xuất để né thuế.
"Một số khách hàng lớn của chúng tôi ở Mỹ cho biết họ sẽ chuyển đơn đặt hàng sang các đối thủ Indonesia của iStar. Nếu chúng tôi mở nhà máy ở Indonesia, công ty phải cử các quản lí cấp cao đến đó nhưng không ai muốn đi cả", bà Eva Leung, đại điện của iStar ở hội chợ thường niên năm nay chia sẻ.
"Chúng tôi vẫn có thể lựa chọn phương án trên nhưng thay vì thế, công ty sẽ tập trung vào mở rộng thị trường nội địa, bởi Trung Quốc là một thị trường lớn".
Cho đến nay, một số công ty khác vẫn trụ vững sau 15 tháng thương chiến kéo dài. Avanline, một nhà sản xuất đèn nội soi ở Thâm quyến, bước chân vào thị trường Mỹ năm 2015, vẫn nhận đủ đơn hàng do giá thành của họ cạnh tranh hơn so với các đối thủ quốc tế, mặc dù đã tính thêm thuế quan.
"Đối với cùng một sản phẩm, giá của chúng tôi chỉ bằng một phần mười đối thủ Nhật Bản Olympus", bà Josie Chen - người quản lí gian hàng của Avanline tại Hong Kong, cho hay.
Khách hàng Mỹ sẵn sàng trả thuế quan và họ không hề yêu cầu chúng tôi hạ giá bán sản phẩm. Bạn biết đấy, NASA [Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ] còn mua hàng của chúng tôi thông qua đối tác Mỹ.
Bà Josie Chen của công ty sản xuất đèn nội soi Avanline cho hay
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/