|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Lo sợ gián điệp trong nội bộ công ty, Huawei bố trí lại đội ngũ giám đốc có liên quan đến Mỹ

22:06 | 16/10/2019
Chia sẻ
Nikkei Asian Review đưa tin, Huawei Technologies đang tái cơ cấu đội ngũ giám đốc và nhà khoa học cấp cao là công dân Mỹ hoặc cư trú tại Mỹ vì lo sợ những người này làm rò rỉ dữ liệu mật ra ngoài.
1

Lo sợ gián điệp trong nội bộ công ty, Huawei bố trí lại đội ngũ giám đốc có liên quan đến Mỹ. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin thân cận cho hay: Ngoài bố trí lại nhiều giám đốc cấp cao và nhà khoa học trong nội bộ công ty, Huawei còn củng cố lại hệ thống an ninh điện tử giữa các văn phòng ở nước ngoài và trụ sở tại Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh.

Huawei hiện đang là trung tâm của một số tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chính quyền Tổng thống Trump còn liệt nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này vào danh sách đen thương mại, hạn chế hãng tiếp cận công nghệ Mỹ vì lí do an ninh quốc gia.

Lệnh cấm vận của Washington đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến Huawei, mà một trong những hệ quả đáng chú ý nhất là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không thể sử dụng hệ điều hành Android của Google trong sản phẩm điện thoại thông minh mới nhất - Huawei Mate 30.

Huawei từng tuyên bố việc bị đưa vào danh sách đen có thể khiến doanh số bán hàng của họ tổn thất khoảng 10 tỉ USD trong năm nay.

Huawei chấn chỉnh đội ngũ nhân sự vì sợ gián điệp len lỏi vào nội bộ công ty

Lệnh trừng phạt của Washington buộc Huawei phải giảm nhân sự là công dân hoặc cư trú tại Mỹ, vì các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ có thể khai thác xung đột lợi ích tiềm năng này.

Nhiều giám đốc cấp cao trong bộ phận nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả người Mỹ gốc Á, đều đã rời công ty hoặc bị thuyên chuyển công tác.

"Một phần lí do khiến các giám đốc người Mỹ rời đi là vì Huawei lo ngại rằng cơ quan tình báo Mỹ đã liên hệ một số nhân viên người bản địa làm việc ở Mỹ", Nikkei dẫn nguồn tin thân cận cho hay.

"Tập đoàn Trung Quốc này còn lo lắng các giám đốc cấp cao khác (có quốc tịch Mỹ hoặc cư trú tại Mỹ) cũng có thể rơi vào tầm ngắm".

Một số nhân vật tiếng tăm đã ra đi

Trong số các giám đốc mà nguồn tin khẳng định đã được thuyên chuyển là ông Sunhom Steve Paak, Giám đốc công nghệ (CTO) của HiSilicon Technologies - công ty con của Huawei và cũng là nhà phát triển chip lớn nhất Trung Quốc.

Ông Paak, hiện đã rời công ty, là một nhân viên nổi tiếng Huawei chiêu mộ được từ Samsung Electronics. Khi còn hoạt động ở Samsung, cựu CTO của HiSilicon từng nắm giữ chức Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng phát triển chất bán dẫn.

Một nhân vật khác là Wang Hsin-shih, trưởng nhóm phát triển công nghệ của Huawei tại Đài Loan và là cựu Phó Chủ tịch của Faraday Technology - một công ty con chuyên thiết kế chip của United Microelectronics (nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ ba thế giới).

Từng làm việc tại Thung lũng Silicon, ông Wang hiện đã ngừng công tác ở Huawei.

Ông Paak, người mà theo hồ sơ LinkedIn đã có 10 năm làm việc trong ngành công nghệ Mỹ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Purdue, từ chối đưa ra bình luận. Ngoài ra, ông Wang cùng Huawei cũng không phản hồi yêu cầu của Nikkei.

"Sự ra đi của ông Wang khá đột ngột và theo chúng tôi hiểu, một phần lí do có liên quan đến quan hệ của ông ấy với Mỹ", nguồn tin thân cận của Nikkei nói.

Một nguồn tin khác xác nhận các nhân sự trên đã rời đi, đồng thời cho biết thêm rằng Huawei lo ngại việc các nhà khoa học liên quan đến Mỹ làm việc trong công ty có thể bị Washington coi là vi phạm lệnh cấm công nghệ của họ.

Dùng nhân sự Mỹ có phải chuyển giao công nghệ hay không?

Động thái bố trí lại nhân sự nói trên là ví dụ mới nhất cho thấy sự xa cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi hai nước tranh giành sự thống trị về kinh tế, tài chính, quân sự và công nghệ trên toàn cầu.

Vào cuối tuần trước, sau hai ngày đàm phán tại Washington, Tổng thống Trump đã đi đến thỏa thuận một phần với Bắc Kinh, trong đó Trung Quốc cam kết mua 40 - 50 tỉ USD nông sản Mỹ để đổi lấy việc Washington tạm ngưng tăng thuế quan lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc theo kế hoạch.

Tuy nhiên, đáng chú ý là thỏa thuận một phần này không đề cập đến hai vấn đề gây tranh cãi: liệu Mỹ có tiếp tục gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc và chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục giữ Huawei trong danh sách đen hay không.

Với 194.000 nhân viên trải khắp 170 quốc gia và doanh số hơn 105 tỉ USD hàng năm, qui mô và ưu thế của Huawei đối với công nghệ 5G - xương sống của mạng viễn thông thế hệ mới cũng như của ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ lâu đã là mối quan tâm của Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các nguồn tin nhấn mạnh động thái tái cơ cấu nhân sự của Huawei một phần xuất phát từ tình trạng bất ổn bên trong công ty khi khó phân định các nhân viên giỏi, có liên quan đến Mỹ làm việc tại Huawei có thể được xem là một hình thức chuyển giao công nghệ hay không.

"Bạn không thể thực sự đổ lỗi cho Huawei. Ai dám tin người Mỹ sau những gì Washington đã làm?", một nguồn tin nhấn mạnh.

Huawei đã sa thải 70% nhân viên tại công ty con Futurewei (Mỹ), với lí do "cắt giảm hoạt động kinh doanh" do lệnh cấm công nghệ của Mỹ.

Hồi tháng 3, Huawei đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, cáo buộc Washington "xâm nhập vào máy chủ của công ty để đánh cắp email và mã nguồn" như Chủ tịch luân phiên Guo Ping mô tả.

Trong một nỗ lực nhằm giảm mối liên hệ với công nghệ Mỹ, Huawei đã bắt đầu chiến dịch tích cực tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thay thế ở châu Á và châu Âu. Gã khổng lồ đang đầu tư hàng tỉ USD để phát triển phần mềm riêng, với mục đích thay thế hệ điều hành Android của Google.

Cuộc đua cắt giảm công nghệ Mỹ giờ đây đã mở rộng sang khía cạnh nhân lực và kiến thức chuyên môn của đội ngũ nhân sự.

Vào hôm nay (ngày 16/10), Huawei cho biết bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, doanh thu của họ vẫn tăng 24% trong 9 tháng đầu năm nay lên 611 tỉ nhân dân tệ (86 tỉ USD).

Khả Nhân