Lãnh đạo Huawei: CEO Nhậm Chính Phi thà đóng cửa công ty chứ không tham gia hoạt động gián điệp
Cuối tuần trước (11/10), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố nội dung sơ bộ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ tăng cường mua nông sản Mỹ trong khi Mỹ không nâng thuế lên hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch.
Tuy nhiên, thỏa thuận này còn chưa động đến rất nhiều vấn đề gai góc gây căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Một trong số đó là việc tập đoàn công nghệ Huawei vẫn đang nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ vì cáo buộc giúp quân đội và chính phủ Trung Quốc làm gián điệp, thu thập tình báo trái phép tại các nước khác.
Lời khẳng định chắc nịch của lãnh đạo Huawei
Ông John Suffolk, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của Huawei. Ảnh: Kyodo News.
Phát biểu tại một sự kiện mới đây, ông John Suffolk - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của tập đoàn Huawei khẳng định tập đoàn Trung Quốc này sẵn sàng làm việc với các nước để loại bỏ lo ngại về rủi ro an ninh.
Ông cũng khẳng định Huawei chưa nhận được bất kì yêu cầu chia sẻ thông tin mật nào từ phía chính phủ hay Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nói về nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi, ông Suffolk nhìn nhận: "Nếu ông Nhậm bị chính phủ Trung Quốc yêu cầu làm một điều gì đó mà ông cho là không đúng đắn, chẳng hạn như giao nộp dữ liệu hay cài cắm 'cửa sau' trên thiết bị viễn thông để đánh cắp thông tin, ông Nhậm sẽ thẳng thừng từ chối".
Thậm chí, ông Suffolk còn khẳng định ông Nhậm Chính Phi thà đóng cửa công ty chứ không tham gia hoạt động gián điệp chống quốc gia khác.
"Nếu Nhậm Chính Phi bị gây áp lực phải [tham gia hoạt động gián điệp], ông ấy sẵn sàng đóng cửa công ty"
John Suffolk - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của Huawei
CEO Nhậm Chính Phi cũng nhiều lần khẳng định chính phủ Trung Quốc chưa từng yêu cầu Huawei tham gia hoạt động gián điệp. Ông còn đề xuất Huawei sẵn sàng thúc đẩy chính phủ Trung Quốc kí hiệp định "không cài cửa sau" trên thiết bị viễn thông với các quốc gia khác để họ yên lòng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 năm nay sau khi bị Mỹ cấm vận, CEO Nhậm Chính Phi nói: "Nếu bất kì nước nào tìm thấy 'cửa sau' trong thiết bị của Huawei, doanh số bán thiết bị của chúng tôi tại 170 quốc gia sẽ lập tức rớt thảm, tình hình tài chính của chúng tôi sẽ sụp đổ".
Ông John Suffolk cũng tái khẳng định rằng chưa quốc gia nào tìm được bằng chứng xác thực cho thấy chính phủ Trung Quốc đánh cắp dữ liệu thông qua sản phẩm của Huawei.
Những lo ngại về Huawei vẫn còn
Dù các lãnh đạo liên tiếp tuyên bố trấn an, những lo ngại an ninh quốc gia liên quan đến Huawei vẫn còn hiện hữu.
Một số đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, New Zealand, Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei khi xây dựng mạng 5G mặc dù thiết bị của Huawei được đánh giá là có hiệu suất hoạt động cao hơn và giá bán thấp hơn đến 30%.
Một số quốc gia khác không cấm hoàn toàn thiết bị của Huawei nhưng cấm một phần và thắt chặt qui định quản lí như Pháp, Đức, Nam Phi, Canada, …
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực lên các nước bằng cách đe dọa: Nếu nước nào không cấm thiết bị Huawei, Mỹ sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với nước đó.
Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước chưa ban hành qui định cụ thể nào liên quan đến việc sử dụng thiết bị viễn thông Huawei. Dù vậy các nhà mạng đang tỏ ra khá thận trọng.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã khẳng định tập đoàn này sẽ không sử dụng thiết bị Huawei khi phát triển mạng 5G tại Việt Nam vì "rất nhạy cảm".
Thay vào đó, Viettel sẽ sử dụng thiết bị của các doanh nghiệp châu Âu như Nokia và Ericsson cho mạng 5G ở Việt Nam. Tuy nhiên khi phát triển mạng 5G ở các nước khác như Lào hay Myanmar, Viettel vẫn sử dụng thiết bị của Huawei.
Một cửa hàng Huawei tại Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc.
Các sản phẩm hàng tiêu dùng của Huawei như điện thoại, máy tính xách tay (laptop) vẫn được bày bán tại Việt Nam mà không có hạn chế đặc biệt nào.
Tuy nhiên dòng smartphone mới nhất của Huawei là chiếc Mate 30 vừa qua đã phải ra thị trường mà không có bộ ứng dụng (app) của Google do doanh nghiệp Mỹ bị cấm cung cấp mọi sản phẩm, dịch vụ cho Huawei.
Việc thiếu các hệ điều hành và phần mềm của doanh nghiệp Mỹ khiến cho tăng trưởng doanh số của Huawei sụt giảm đáng kể. CEO Nhậm Chính Phi từng ước tính lệnh cấm của Mỹ có thể khiến Huawei thiệt hại 30 tỉ USD doanh thu trong hai năm.
Liên quan đến công nghệ mạng không dây 5G, Huawei hiện sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới. Tập đoàn công nghệ Trung Quốc này đang hoạt động ở khoảng 170 quốc gia và đã kí hợp đồng thương mại triển khai mạng 5G với gần 50 nhà mạng ở 30 quốc gia.
Top doanh nghiệp có nhiều đóng góp kĩ thuật cho 5G nhất. Nguồn: IPlytics, CNBC.
Công nghệ 5G cho phép truyền một lượng lớn dữ liệu với tốc độ cực cao, giúp các thiết bị viễn thông kết nối với nhiều sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả những dịch vụ liên quan đến hoạt động quân sự.
Nước Mỹ từ lâu đã hối thúc các nước đồng minh như Anh, Australia, Nhật Bản, Đức, … không sử dụng thiết bị Huawei khi xây dựng hệ thống mạng. Lí do mà Mỹ đưa ra là Huawei đang hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong hoạt động gián điệp, thu thập tin tình báo trái phép.
CEO Nhậm Chính Phi – người sáng lập Huawei năm 1987 từng là một kĩ sư trong quân đội Trung Quốc, điều này càng làm cho Mỹ thêm chắc chắn về mối quan hệ giữa Huawei và các cơ quan tình báo, quân sự Trung Quốc.