|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sếp Huawei: Chúng tôi chịu 1 triệu cuộc tấn công mạng mỗi ngày

09:06 | 14/10/2019
Chia sẻ
Lãnh đạo Huawei cho biết tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc này thường xuyên bị tấn công mạng nhằm đánh cắp công nghệ 5G tiên tiến mà hãng tự phát triển.
Sếp Huawei: Chúng tôi chịu 1 triệu cuộc tấn công mạng mỗi ngày - Ảnh 1.

Huawei ghi nhận 1 triệu vụ tấn công mạng mỗi ngày. Ảnh minh họa: AFP/Getty Images.

Chia sẻ tại một sự kiện ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông mới đây, ông John Suffolk - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của Huawei cho biết tập đoàn này bị tấn công mạng khoảng 1 triệu lần mỗi ngày. 

Theo ông Suffolk, Huawei đã chặn đứng phần lớn các cuộc tấn công này nhưng một số máy tính loại cũ đã bị ảnh hưởng. Ông cũng nói thêm rằng Huawei chưa xác định được nguồn gốc của các cuộc tấn công mạng nói trên.

Đầu tháng trước, Huawei viết trong một thông cáo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đe dọa, cưỡng ép và lôi kéo" các nhân viên cũ và cũng như đang làm việc tại Huawei, đồng thời thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng để "thâm nhập hệ thống thông tin và mạng lưới nội bộ của Huawei".

Theo ông Suffolk, các đợt tấn công này bao gồm hành vi trộm cắp thông tin mật bằng cách gửi virus máy tính qua email.

Theo tạp chí Forbes, kiểu tấn công mạng bằng cách gửi mã độc qua email này (còn gọi là phishing) xảy ra rất phổ biến và việc Huawei là nạn nhân không có gì đáng ngạc nhiên.

Những kẻ tấn công thường tìm cách lừa nhân viên cài các phần mềm độc hại được đính kèm trong email hoặc truy cập vào các trang web giả chứa đầy virus.

Huawei hiện đứng số 1 thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông và số 2 thế giới về sản xuất smartphone, chỉ sau Samsung của Hàn Quốc. 

Từ lâu, đại gia công nghệ này đã bị Mỹ cáo buộc tham gia hoạt động tình báo, gián điệp phục vụ cho quân đội và chính phủ Trung Quốc.

Từ tháng 5 năm nay, Huawei bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách đen về thương mại và không được phép mua bất kì hàng hóa dịch vụ nào của doanh nghiệp Mỹ.

Chính các doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối quyết định này của chính phủ, một phần vì Huawei là đối tác thương mại rất lớn, chi tới gần 70 tỉ USD trong năm 2018 để mua sắm các loại linh kiện và phần mềm. 

Một lí do nữa là chính phủ Mỹ chưa công bố lí do thuyết phục nào để chứng minh Huawei đe dọa đến an ninh quốc gia như ông Trump cáo buộc.

Một lãnh đạo của tập đoàn công nghệ Microsoft đã công khai tuyên bố rằng Huawei đang bị đối xử bất công. Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ không bằng lòng với phát biểu của lãnh đạo Microsoft nhưng cũng không đưa ra chi tiết cụ thể nào mới.

Ngược lại, có thông tin cho rằng Mỹ từng tấn công vào hệ thống mạng của Huawei để đánh cắp dữ liệu.

Cụ thể, ngày 22/3/2014, tờ New York Times, dẫn nguồn tin từ tài liệu do cựu điệp viên Edward Snowden cung cấp, đã đăng một bài viết nói về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đột nhập mạng (hack) vào hệ thống máy chủ của Huawei tại thành phố Thẩm Quyến.

Sếp Huawei: Chúng tôi chịu 1 triệu cuộc tấn công mạng mỗi ngày - Ảnh 3.

Cựu điệp viên NSA - Edward Snowden. Ảnh: New York Times

Chiến dịch tấn công mạng này có tên gọi "Shotgiant" và nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Thứ nhất, để thu thập thông tin về cơ chế hoạt động của các bộ định tuyến (router) và bộ chuyển (switch) kĩ thuật số khổng lồ mà Huawei quảng cáo là đang kết nối 1/3 dân số thế giới.

Thứ hai, theo dõi liên lạc giữa các lãnh đạo cấp cao của Huawei.

Thứ ba, để lợi dụng công nghệ của Huawei để theo dõi và - nếu Tổng thống ra lệnh - tấn công mạng các quốc gia khác, các gồm cả những nước thân Mỹ và không thân Mỹ - miễn là họ sử dụng thiết bị Huawei.

Tài liệu do Edward Snowden cung cấp có đoạn: "Nhiều mục tiêu của của chúng ta liên lạc với nhau thông qua các thiết bị do Huawei sản xuất. Chúng ta cần đảm bảo khả năng lợi dụng các thiết bị này ... để tiếp cận những mạng viễn thông cần thiết" trên khắp thế giới.

Về phần mình, NSA từ chối bình luận cụ thể về vụ đột nhập mạng Huawei mà chỉ nói chung chung: "Các hoạt động của NSA chỉ đặc biệt tập trung vào những mục tiêu gián điệp nước ngoài hợp lí, nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tình báo".

Kiên Dương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.