Dân số sụt giảm sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc?
Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, gần đây chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm em bé. Nguyên nhân khiến chính phủ thay đổi lập trường là tỷ lệ sinh đã giảm 7 năm liên tiếp, dẫn đến dân số thu hẹp trong hai năm qua.
Dân số trong độ tuổi lao động cũng trên đà giảm trong nhiều năm và các nhà phân tích dự đoán vào năm 2034, tỷ lệ người trên 60 tuổi sẽ tăng lên mức 30%.
Dân số sụt giảm đe doạ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, vì nguồn cung lao động dồi dào là một trong những động cơ quan trọng của nền kinh tế tỷ dân trong hàng thập kỷ qua.
Năm ngoái, Trung Quốc đã mất vị thế quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ gặp khó khăn trong việc qua Mỹ, đặc biệt là khi dân số Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng.
Dân số trên đà giảm
Theo Bloomberg, vào năm 2021, Bắc Kinh đã quyết định cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, khoảng 5 năm sau khi cho phép phụ nữ sinh hai con.
Ban đầu, chính sách sinh hai con có hiệu quả. Số trẻ sơ sinh năm 2016 là 17,9 triệu, tăng hơn 1 triệu so với năm trước. Song, từ đó số ca sinh giảm dần và tụt xuống còn 9,02 triệu vào năm 2023.
Theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia công bố giữa tuần này, do tỷ lệ sinh giảm và tỷ lệ tử tăng, dân số Trung Quốc đã tụt hơn 2 triệu người xuống còn 1,41 tỷ vào năm 2023.
Con số trên cao hơn gấp đôi so với mức giảm năm 2022, khi dân số Trung Quốc lần đầu tiên thu hẹp kể từ năm 1961. Số ca tử vong năm 2023 tăng gần 700.000 so với năm 2022 lên 11,1 triệu.
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (những người từ 15 đến 59 tuổi) là 61,3%, giảm so với mức hơn 70% một thập kỷ trước. Tỷ suất sinh tụt xuống còn 1,3 trẻ em/phụ nữ, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần để duy trì dân số ổn định.
Tác động và giải pháp tiềm năng
Nếu dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp, khiến số người sẵn sàng làm việc giảm xuống thì chi phí lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đi lên và làm tăng giá hàng hoá.
Ngoài ra, trong bối cảnh số người muốn lập gia đình giảm, nhu cầu nhà ở trong dài hạn có thể cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể gián tiếp tác động đến nhu cầu của các nguyên vật liệu thô như quặng sắt.
Hệ thống lương hưu của Trung Quốc cũng có thể chịu áp lực. Tất cả những nguy cơ này có thể sẽ kìm hãm tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, trừ khi Bắc Kinh đưa ra các chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Theo nhận định của Bloomberg, thay đổi độ tuổi nghỉ hưu có thể giải quyết một số vấn đề. Trong hơn 4 thập kỷ, Bắc Kinh quy định tuổi nghỉ hưu cho nam và nữ lần lượt là 60 và 55, ngay cả khi tuổi thọ trung bình tăng lên.
Một số chuyên gia Trung Quốc đã thảo luận về việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng ở một số quốc gia khác, cách làm này không được ưa chuộng và từng gây ra phản ứng dữ dội.
Những lo ngại về thời gian và tài chính khiến nhiều cặp vợ chồng cảm thấy họ chỉ đủ khả năng sinh một con. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt gánh nặng đó. Vài năm trước, Bắc Kinh đã loại bỏ ngành dạy thêm để giảm chi phí giáo dục.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng ban hành một hướng dẫn nhằm giảm việc phá thai, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ trong quá trình nuôi dạy con.
Tuy nhiên, nhìn từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc, việc tăng tỷ lệ sinh để giải quyết bài toán dân số là cực kỳ khó khăn, ngay cả khi chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ như chăm sóc trẻ em miễn phí, nâng lương thai sản,...