|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phố Wall dự báo gì về nền kinh tế Trung Quốc năm 2024?

10:50 | 18/01/2024
Chia sẻ
Các ngân hàng lớn của Phố Wall dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024. Giới lãnh đạo Trung Quốc ra tín hiệu không muốn kích thích quy mô lớn, khiến các nhà phân tích cảnh báo Bắc Kinh có thể đang đánh giá thấp các thách thức của nền kinh tế.

Cặp đôi Trung Quốc chụp ảnh quốc kỳ. (Ảnh: SCMP). 

Loạn dự báo

Dựa theo các báo cáo được công bố trong thời gian qua, nhiều ngân hàng lớn dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2024. Trung bình, 5 ông lớn Phố Wall trong đó có Goldman Sachs và Morgan Stanley ước tính GDP thực tế của Trung Quốc sẽ tăng 4,6%.

Hôm 17/1, Trung Quốc công bố báo cáo chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 5,2%, cao hơn mục tiêu đề ra là khoảng 5%. Bắc Kinh sẽ tiết lộ mục tiêu tăng trưởng năm 2024 tại kỳ họp Quốc hội tổ chức vào đầu tháng 3.

 

Trong số 5 ngân hàng mà CNBC thu thập dữ liệu, JPMorgan đưa ra dự báo cao nhất là GDP Trung Quốc sẽ tăng 4,9% trong năm 2024. Morgan Stanley là ngân hàng kém lạc quan nhất, đưa ra dự báo 4,2%.

Trong phân tích hồi đầu tháng 1, nhóm chuyên gia của JPMorgan viết: “Nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc trong năm 2024 là kiểm soát rủi ro suy giảm kinh tế, đặc biệt là từ đợt điều chỉnh trong thị trường nhà đất và nguy cơ ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác.

Áp lực giảm phát nhiều khả năng sẽ dịu bớt trong năm 2024 nhờ giá hàng hoá thế giới và giá heo trong nước phục hồi. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ chỉ ở mức thấp do nhu cầu nội địa yếu”.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết công nghệ mới và các ngành khác ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhưng không đủ để bù đắp tác động của thị trường bất động sản và các lực cản khác lên tăng trưởng kinh tế.

Bất chấp tốc độ tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực xe điện và du lịch, cuộc phục hồi kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc không diễn ra mạnh mẽ như kỳ vọng ban đầu của nhiều ngân hàng. Các nhà phân tích Goldman Sachs bình luận trong báo cáo triển vọng năm 2024 phát hành tháng 11 năm ngoái: “Nền kinh tế Trung Quốc đã không đi theo kịch bản vào năm 2023”.

Họ nhấn mạnh rằng hồi tháng 10/2023, Bắc Kinh đã ra quyết định gây ngạc nhiên là tăng mức thâm hụt tài khóa. Báo cáo của Goldman Sachs có đoạn: “Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng chính sách vĩ mô của Trung Quốc sẽ được nới lỏng đáng kể trong năm 2024, đặc biệt là bởi chính phủ trung ương, nhằm hỗ trợ nền kinh tế và ngăn tăng trưởng GDP thực giảm tốc quá nhanh từ năm 2023 đến 2024”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo Trung Quốc cần các cải cách mang tính cấu trúc để ngăn chặn “nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể".

Theo dự báo gần đây nhất là từ tháng 11 năm ngoái, IMF nhận định "trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu và nhu cầu bên ngoài ảm đạm", tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 4,6%.

Không cần kích thích

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã ra tín hiệu rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ không tung ra các biện pháp kích thích lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Davos hôm 16/1, ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 mà không cần dùng đến "các gói kích thích kinh tế khổng lồ”.

Ông Louis Kuijis, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, chia sẻ quan điểm với Bloomberg: “Các nhà chức trách Trung Quốc không muốn tạo ra ấn tượng rằng họ rất quan ngại tăng trưởng. Họ muốn chèo lái nền kinh tế qua năm 2024 mà không dùng biện pháp kích thích có quy mô lớn. Rủi ro ở đây là các nhà lãnh đạo có thể đánh giá thấp áp lực của nền kinh tế”.

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nhận xét: “Thủ tướng Lý Cường có vẻ đang thể hiện rằng ông tự tin Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại mà không cần chính sách kích thích. Tôi không nghĩ điều này sẽ dễ dàng”.

Hồi đầu tuần này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giữ nguyên lãi suất chính sách, trái ngược với mong đợi chung của thị trường về một đợt cắt giảm.

Bà Garcia Herrero nói tiếp: “Trung Quốc cần giảm lãi suất nếu họ muốn GDP tăng trưởng 5% trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách cần hành động”. Bà cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ lặp lại sai lầm quá khứ của ngân hàng trung ương Nhật Bản là không phản ứng với giảm phát hồi đầu thập niên 1990, dẫn đến hàng thập kỷ giá cả và tăng trưởng kinh tế trì trệ. 

Tờ CNBC cho biết trong dài hạn, nhìn chung các nhà phân tích đều dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn nữa. Ngân hàng UBS dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ chậm lại còn khoảng 3,5% sau năm 2025, một phần là do rắc rối của ngành bất động sản.

Dù số liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 3 - 4%, tốc độ này vẫn cao hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển. Tháng 10 năm ngoái, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực của Mỹ sẽ giảm từ 2,1% trong năm 2023 xuống 1,5% trong 2024.

Giang