Thủ tướng Lý Cường: GDP Trung Quốc năm 2023 vượt mục tiêu mà không cần ‘kích thích khổng lồ’
Thành tựu năm 2023
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 16/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng khoảng 5,2% trong năm 2023, vượt qua mục tiêu chính phủ đề ra là 5%.
Ông nói thêm: “Trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng tôi đã không dùng đến các "gói kích thích kinh tế khổng lồ". Chúng tôi không theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn trong khi tích lũy rủi ro dài hạn”.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh các nỗ lực của Trung Quốc nhằm khơi dậy niềm tin vào nền kinh tế và chính phủ. Bình luận trên được ông đưa ra một ngày trước khi Trung Quốc dự kiến công bố số liệu tăng trưởng năm 2023.
Ông Michael Hirson, nhà kinh tế cấp cao tại 22V Research, bình luận: “Rất hiếm khi các quan chức Trung Quốc cấp cao tiết lộ số liệu kinh tế trước báo cáo chính thức một cách cụ thể như vậy. Có thể ông Lý muốn tạo lòng tin cho các khán giả toàn cầu ở Davos”.
Ông Lý tiếp tục thể hiện sức hút của nền kinh tế Trung Quốc tại bữa trưa với lãnh đạo của 14 doanh nghiệp đa quốc gia bao gồm JPMorgan, Walmart, Intel, BASF, Volkswagen và Siemens, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay. Bữa trưa này được tổ chức bởi ông Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF.
Ông Lý hứa hẹn: “Đầu tư vào Trung Quốc sẽ đem lại lợi nhuận lớn và mở ra tương lai tốt đẹp hơn”. Ông nói thêm rằng Trung Quốc “sẵn sàng tìm hiểu, giải quyết các rắc rối và khó khăn của doanh nghiệp ngoại hoạt động trong nước”. Ông mô tả các giám đốc doanh nghiệp dùng bữa cùng là “những nhân chứng, người tham gia và người hưởng lợi từ quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc”.
Kế hoạch cho 2024
Hồi đầu năm ngoái, nhiều nhà kinh tế từng nhận xét mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc là khá khiêm tốn. Nhưng áp lực giảm phát và khủng hoảng bất động sản đã gây ra thách thức lớn tới nền kinh tế.
Tuy ông Lý nói Trung Quốc không sử dụng “kích thích khổng lồ” để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, các nhà chức trách cũng tung ra một số biện pháp hỗ trợ như chi tiêu tài khóa và cắt giảm lãi suất.
Điều được quan tâm nhất lúc này là Trung Quốc sẽ làm cách nào để duy trì động lực tăng trưởng trong năm nay. Nguồn tin của Bloomberg cho biết Trung Quốc đang cân nhắc phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 139 tỷ USD) để củng cố nền kinh tế.
Dữ liệu chính thức cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong quý III/2023 đã chuyển sang mức âm, lần đầu tiên kể từ năm 1998. Hiện tượng này có thể phản ánh rằng giới doanh nghiệp ngày càng ngại tái đầu tư vào Trung Quốc, một phần là do chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Mỹ và Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Cường lặp lại cam kết cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp ngoại. Ông cho biết nhằm giải quyết nỗi lo của một số doanh nghiệp đa quốc gia, Bắc Kinh đang nghiên cứu xây dựng các chính sách liên quan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng cố gắng trấn an và khuyến khích doanh nghiệp ngoại đầu tư vào nước này. Trong bài phát biểu hồi tháng 11 tới các lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ, ông Tập cho biết cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên của Bắc Kinh.
Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Joe Biden trong chuyến đi đó đã giúp ổn định lại mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong thời gian qua, ông Tập đã cố gắng cân bằng giữa mong muốn thúc đẩy nền kinh tế và nỗ lực củng cố an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ vẫn còn.