|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc giữ nguyên lãi suất chính sách, gây bất ngờ cho thị trường

14:15 | 15/01/2024
Chia sẻ
Trái với kỳ vọng của thị trường tài chính, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không hạ lãi suất vào ngày 15/1. Bloomberg nói PBoC có thể đang lo ngại Fed và sức mạnh của đồng nhân dân tệ.

Tòa nhà PBoC ở Bắc Kinh. (Ảnh: Bloomberg). 

Bất ngờ lớn

Hôm 15/1, ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định giữ nguyên một loại lãi suất quan trọng nhưng vẫn tiếp tục bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Động thái này đi ngược với kỳ vọng của thị trường rằng PBoC sẽ giảm chi phí đi vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, PBoC đã giữ nguyên lãi suất của các khoản vay chính sách một năm - hay còn gọi là công cụ cho vay trung hạn (MLF) - ở mức 2,5%. Trước đó, đông đảo các nhà kinh tế dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 8/2023.

PBoC còn cấp thêm 995 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 139 tỷ USD) thông qua MLF, qua đó bơm ròng 216 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính, giúp tăng cường thanh khoản và đáp ứng các nhu cầu vay vốn trong nước.

 

Trao đổi với Bloomberg TV, ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại HSBC, cho hay: “Quyết định giữ nguyên lãi suất ngày hôm nay cho thấy PBoC không thấy họ cần phải gấp rút bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế”.

Một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng đến quyết định của ngân hàng trung ương Trung Quốc là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Dữ liệu mới cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn cao dai dẳng, khiến lộ trình lãi suất của Fed càng thêm khó đoán.

Sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2023 tăng mạnh hơn dự báo, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland nói việc giảm lãi suất từ tháng 3 “có lẽ là quá sớm”.

Nhà kinh tế Neumann chỉ ra chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn lớn, do đó PBoC “không muốn hạ lãi suất quá nhanh". Vì vậy, PBoC có thể bơm thanh khoản và sử dụng các công cụ nới lỏng tín dụng khác thay vì giảm lãi suất ngay lúc này.

Các nhà kinh tế cũng liệt kê một số yếu tố khác có thể khiến PBoC ngần ngại giảm lãi suất, bao gồm lo lắng về sức mạnh của đồng nhân dân tệ và nguy cơ gây ra biến động trên thị trường.

Biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục, đồng nghĩa với việc họ có thể cần thêm thời gian để giảm chi phí huy động vốn trước khi có thể hấp thụ tác động của các đợt cắt giảm lãi suất chính sách.

Vai trò của Fed và dự báo của các chuyên gia

Dữ liệu được công bố gần đây của Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến giới đầu tư và phân tích càng thêm kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 sụt giảm lần đầu kể từ năm 2016 do nhu cầu thế giới yếu ớt. Nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu, khủng hoảng bất động sản và thị trường việc làm ảm đạm vẫn là các lực cản chính trong năm nay.

Ông Robert Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình dương của ING Groep, bình luận: “Các dữ liệu kinh tế gần đây không mấy tích cực, do đó một đợt cắt giảm lãi suất có lẽ sẽ khiến nhân dân tệ yếu đi. Tôi nghĩ những gì các quan chức PBoC có thể làm khá hạn chế, do đó tôi không ngạc nhiên hay thất vọng khi họ giữ nguyên lãi suất”.

Một số nhà kinh tế nhận định lãi suất giảm chỉ có thể giúp xoa dịu áp lực tài chính trong ngắn hạn, không thể giải quyết vấn đề nhu cầu và niềm tin. Vậy nên những nhà kinh tế này chú ý đến các công cụ khác có thể giúp đảm bảo thanh khoản thị trường dồi dào.

Ví dụ, PBoC có thể hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuần trước, một quan chức cao cấp của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đề cập đến công cụ này với truyền thông nhà nước. Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc không có tác động mạnh bằng cắt giảm lãi suất, nhưng vẫn sẽ giải phóng tiền vào hệ thống tài chính.

Tháng 12 năm ngoái, PBoC cũng thực hiện một số động thái khá quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như bơm ròng khoảng 800 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống dưới dạng các khoản vay kỳ hạn một năm. Cũng trong tháng đó, PBoC cấp 350 tỷ nhân dân tệ dưới dạng các khoản vay chi phí thấp cho một số ngân hàng chính sách để tài trợ các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, Trung Quốc sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để giảm chi phí đi vay. Bà Becky Liu, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered, cho biết một khi Fed thay đổi lập trường, PBoC sẽ không còn đi ngược chiều chính sách với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. "Fed trở nên bồ cầu hơn là yếu tố mở đường giúp PBoC nới lỏng tiền tệ trong năm 2024", bà Liu dự đoán.

Ông David Qu, nhà kinh tế của Bloomberg Ecnmomics, nhận xét: “Sau quyết định giữ nguyên lãi suất gây bất ngờ của PBoC, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là các quan chức sẽ sớm hạ chi phí đi vay. Nền kinh tế Trung Quốc cần được hỗ trợ thêm. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng PBoC sẽ giảm lãi suất 10 điểm cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản trong quý I/2024”.

Giang

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.