Kinh tế Trung Quốc cuối năm 2023: Xuất khẩu yếu, CPI giảm tháng thứ ba liên tiếp
Xuất khẩu yếu đi
Theo báo cáo do Tổng cục Hải quan công bố hôm 12/1, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của Trung Quốc tăng 2,3% so với cùng kỳ vào tháng 12. Kết quả này cao hơn ước tính 1,7% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters. Nhập khẩu tăng 0,2% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với dự báo 0,3%.
Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu giảm 4,6%, trong khi nhập khẩu đi xuống 5,5%. Nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hoá Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và quan hệ thương mại của quốc gia tỷ dân với các đối tác lớn suy yếu.
Xét trên cơ sở khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái, xếp sau đó là Liên minh châu Âu (EU).
Trong số các quốc gia, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất. Nga là điểm sáng hiếm hoi khi xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này tăng gần 47% trong năm 2023 và nhập khẩu đi lên gần 13%.
Trong một báo cáo về chỉ số PMI tháng 12, Caixin cho hay: “Các nhà sản xuất Trung Quốc dự đoán sản lượng sẽ đi lên trong năm 2024 khi nhu cầu toàn cầu ổn định hơn, khách hàng chi tiêu nhiều hơn...”
Ở một báo cáo vào cuối tuần trước, ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Macquarie tại thị trường Trung Quốc - dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng 2% trong năm 2024 sau khi giảm 5% vào năm 2023.
Trong trường hợp xuất khẩu chậm lại hơn dự kiến, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cần phải chủ động triển khai chính sách hỗ trợ trong nước, ông Hu lưu ý thêm.
Ô tô cũng là một điểm sáng trong dữ liệu thương mại gần đây của Trung Quốc. Nước này được cho là sẽ vượt Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2023.
Đà tăng trưởng nhanh chóng của thị trường ô tô điện cũng như nhu cầu từ Nga đã giúp thúc đẩy xuất khẩu ô tô của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh, nhà kinh tế Sarah Tan của Moody’s cho hay.
“Sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, nhiều nhà sản xuất xe hơi đã rời khỏi xứ sở Bạch Dương, chừa lại khoảng trống cho các doanh nghiệp Trung Quốc”, bà Tan viết trong một email gửi CNBC.
Vị chuyên gia cho biết trong 11 tháng đầu năm 2023, về mặt giá trị thì số lô hàng ô tô xuất đến Nga đã tăng khoảng 6 lần so với năm 2022.
Giảm phát chưa dứt
Báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia cho thấy giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12. Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu và là nguyên nhân khiến các nhà kinh tế kêu gọi Bắc Kinh nên bơm thêm kích thích.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sụt 0,3% so với cùng kỳ, xác lập chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2009. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự kiến mức giảm 0,4%. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của chính phủ là tăng 3%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) đi xuống 2,7% so với một năm trước, so với mức dự báo giảm 2,6%.
Nền kinh tế số hai thế giới đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát, một phần do thị trường bất động sản gặp khó khăn, niềm tin người tiêu dùng xuống thấp và xuất khẩu yếu.
Giảm phát là mối lo đối với nền kinh tế vì giá cả giảm thường khiến doanh thu của doanh nghiệp đi xuống, có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận và tiền lương của người lao động.
Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khuyến khích người tiêu dùng hoãn việc mua sắm do kỳ vọng giá có thể tiếp tục giảm trong tương lai.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế cấp cao tại ANZ Banking Group, gợi ý: “Trung Quốc cần hành động mạnh để phá vỡ chu kỳ giảm phát. Nếu không, nó sẽ trở thành một vòng xoáy nguy hiểm”.
Ông nói thêm rằng ngân hàng trung ương có thể nên sớm nới lỏng chính sách, bao gồm khả năng hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.