|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giám đốc IMF: Trung Quốc cần cải cách để ngăn nền kinh tế yếu đi

07:52 | 16/01/2024
Chia sẻ
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể tụt xuống dưới 4% nếu nước này không tiến hành cải cách.

Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF. (Ảnh: Getty Images). 

Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mới đây cảnh báo rằng Trung Quốc cần các cải cách mang tính cấu trúc để ngăn chặn “nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể". 

Trò chuyện với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm 15/1, bà Georgieva cho biết Trung Quốc phải đối mặt với thách thức trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Trong ngắn hạn, ngành bất động sản và các khoản nợ lớn của chính quyền địa phương cần được xử lý. Trong dài hạn, Trung Quốc cần đối phó với những thay đổi về nhân khẩu học và sự mất mát của niềm tin.

Bà Georgieva nói tiếp: “Điều Trung Quốc cần nhất là các cải cách mang tính cấu trúc để tiếp tục mở cửa nền kinh tế, hướng mô hình tăng trưởng sang tiêu dùng nội địa nhiều hơn, củng cố lòng tin của người dân để họ chi tiêu thay vì tiết kiệm. Chúng tôi dự đoán trong trường hợp Trung Quốc không tiến hành cải cách, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sút đáng kể, xuống dưới 4%”.

Cuộc phục hồi của nền kinh tế tỷ dân trong năm 2023 diễn ra không mấy suôn sẻ khi bị cản trở bởi những rắc rối trong thị trường nhà đất và sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhận định Trung Quốc vẫn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là khoảng 5%.

Tháng 11 năm ngoái, IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc lên 5,4% sau khi Bắc Kinh thực hiện một số động thái chính sách. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ chậm lại còn 4,6% trong năm 2024, một phần lớn là do cuộc khủng hoảng bất động sản.

Bà Georgieva là một trong nhiều nhà kinh tế hàng đầu tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, được tổ chức từ ngày 15 đến 19/1. Chủ đề năm nay là “Xây dựng lại niềm tin”, các vấn đề được đưa ra bàn luận bao gồm căng thẳng địa chính trị, xu hướng phân mảnh toàn cầu, lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố cho thấy giới chuyên gia dự đoán triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc sẽ khá ảm đạm. Báo cáo liệt kê các vấn đề của Trung Quốc bao gồm tiêu dùng yếu, sản lượng công nghiệp suy giảm và thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Giang