|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dân số đông, nền y tế yếu kém nhưng tại sao số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lại thấp hơn rất nhiều so với các nước phương Tây?

07:00 | 30/04/2020
Chia sẻ
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới với nhiều khu ổ chuột và hệ thống y tế yếu kém, Ấn Độ luôn giành được sự quan tâm lớn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Dù nhiều chuyên gia từng dự đoán tương lai của Ấn Độ sẽ rất tối tăm, dường như nước này đã tránh được kịch bản "vỡ trận" vì dịch.

Chưa đầy một tháng trước, tương lai của Ấn Độ dường như sẽ rất tăm tối. Các chuyên gia dự đoán đất nước Nam Á có thể ghi nhận hàng triệu ca nhiễm COVID-19, có nguy cơ làm tê liệt hệ thống y tế yếu kém của nước này.

Những người bàng quan lo lắng COVID-19 có thể lây lan như cháy rừng qua các khu ổ chuột của Ấn Độ, nơi cư dân sinh sống trong các khu nhà chật chội và vệ sinh kém.

Tuy nhiên cho đến nay, quốc gia đông dân thứ hai thế giới có vẻ đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất.

Theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins tính đến tối ngày 29/4 (giờ Việt Nam), Ấn Độ chỉ báo cáo 31.322 ca xác nhận nhiễm COVID-19 và 1.008 ca tử vong, tương đương 0,76 ca tử vong/1 triệu dân. So với Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới, tỉ lệ này là hơn 175 ca tử vong/1 triệu dân.

Ấn Độ có đến 1,3 tỉ dân, tại sao số ca tử vong do COVID-19 chỉ bằng 1/58 của Mỹ? - Ảnh 1.

Một người dân Ấn Độ theo dõi Thủ tướng Modi phát biểu trên tivi. (Ảnh: CNN)

CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định, số liệu tương đối tích cực của Ấn Độ cho thấy lệnh phong tỏa qui mô toàn quốc để kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch có thể đang mang lại hiệu quả.

"Ấn Độ không đợi đến khi vấn đề xấu đi", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu hôm 14/4 khi ông gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. "Thay vào đó, ngay khi dịch xuất hiện, Ấn Độ đã cố gắng ngăn chặn sự lây lan bằng cách đưa ra quyết định nhanh chóng. Tôi không thể tưởng tượng sự việc sẽ ra sao nếu chính phủ không quyết định hành động nhanh lẹ", ông Modi nói tiếp.

Quyết định của chính quyền ông Modi nhanh đến đâu?

Vào ngày 24/3, Thủ tướng Modi đã tuyên bố Ấn Độ sẽ bị phong tỏa trong ba tuần. Qui mô của lệnh phong tỏa là chưa từng có và Ấn Độ có đến 1,3 tỉ dân.

Khả năng thành bại của lệnh phong tỏa này là rất khó đoán. Phong tỏa toàn quốc đồng nghĩa rằng hàng triệu công nhân sống phụ thuộc vào số tiền công ít ỏi mỗi ngày sẽ mất đi thu nhập. Tuy nhiên, nếu không chọn phương án trên, hệ thống chăm sóc y tế của Ấn Độ sẽ có nguy cơ bị quá tải.

Một mô hình ước tính nếu không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, khoảng 150 triệu dân Ấn Độ sẽ nhiễm COVID-19 vào tháng 6. Đến ngày 24/4, quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết nước này có thể đã có hơn 100.000 ca nhiễm vào thời điểm đó nếu không phong tỏa.

Theo CNN, Ấn Độ đã ban bố lệnh phong tỏa tương đối nhanh chóng, khi trên toàn quốc chỉ báo cáo 519 ca xác nhận nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, Italy đợi cho đến khi xác nhận hơn 9.200 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới phong tỏa toàn quốc, trong khi đối với Anh là khoảng 6.700 ca bệnh.

Ông Ramanan Laxminarayan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến động Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách (CDDEP) có văn phòng tại Washington DC và New Delhi, cho rằng quyết định áp lệnh phong tỏa nhanh chóng, ngay cả khi số ca nhiễm còn rất thấp, đã giảm tỉ lệ lây nhiễm xuống đáng kể.

Sau khi phong tỏa, hàng nghìn công nhân nhập cư đã cố gắng rời các thành phố lớn của Ấn Độ vì các lệnh hạn chế khiến họ mất việc. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng những người này có thể giúp lây lan dịch bệnh. Một số quan chức bang Uttar Pradesh thậm chí còn phun thuốc khử trừng cho các công nhân từ nơi khác trở về dù đây không phải là biện pháp hiệu quả để kiểm soát đại dịch.

Ấn Độ có đến 1,3 tỉ dân, tại sao số ca tử vong do COVID-19 chỉ bằng 1/58 của Mỹ? - Ảnh 2.

Vào thời điểm ban bố lệnh phong tỏa trên cả nước, Ấn Độ còn thực hiện thêm một số biện pháp khác.

Ngày 11/3, Ấn Độ đã đình chỉ toàn bộ thị thực du lịch và thông báo rằng tất cả du khách đến từ các khu vực bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất trên thế giới trong vài tuần qua sẽ phải cách li ít nhất 14 ngày.

Từ ngày 22/4, toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế đều bị cấm nhập cảnh Ấn Độ và tất cả dịch vụ đường sắt trên cả nước cũng bị tạm dừng.

Trong khi đó, Mỹ chỉ hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Trung Quốc, Iran và một số nước châu Âu nhưng không ra lệnh cấm hoàn toàn với người nước ngoài vào Mỹ.

Liệu số liệu của Ấn Độ có sai lệch?

Như với mọi quốc gia khác, hiểu biết về tình hình dịch bệnh chỉ đến từ những số liệu thống kê sẵn có và số liệu phụ thuộc vào chương trình xét nghiệm.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này đã tiến hành hơn 625.000 xét nghiệm tính đến ngày 26/4 - nhiều hơn Hàn Quốc (đất nước được báo chí quốc tế khen ngợi vì chương trình xét nghiệm hàng loạt của họ).

Khi các chuyên gia y tế cộng đồng đánh giá năng lực xét nghiệm của một nước, họ không nhìn vào số liệu tổng mà thay vào đó, họ thường xem xét tỉ lệ dương tính. Nếu tỉ lệ dương tính sau xét nghiệm lớn, điều đó cho thấy chỉ những trường hợp nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như bệnh nhân đã nhập viện, mới được cho xét nghiệm.

Ấn Độ có đến 1,3 tỉ dân, tại sao số ca tử vong do COVID-19 chỉ bằng 1/58 của Mỹ? - Ảnh 3.

Theo ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, mức chuẩn cho thấy năng lực xét nghiệm của một nước đạt hiệu quả là có ít nhất 10 xét nghiệm âm tính cho một xét nghiệm dương tính.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, khoảng 4% xét nghiệm của nước này là dương tính, dưới chuẩn của WHO. Tỉ lệ đó cũng thấp hơn nhiều so với của Mỹ (17% - theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins) và của Anh (21% - theo dữ liệu chính phủ).

Một chỉ số hữu ích khác là tỉ lệ các trường hợp tử vong. Tại Ấn Độ, tỉ lệ này là khoảng 3%, so với hơn 13% của Italy, Anh và Pháp, theo Đại học Johns Hopkins. Kết quả đó cho thấy Ấn Độ không chỉ xét nghiệm cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng nhất mà còn nhiều người dân khác.

Tuy nhiên, tỉ lệ xét nghiệm trên đầu người của Ấn Độ là cực kì thấp. Chỉ khoảng 48/100.000 người dân Ấn Độ được xét nghiệm, trong khi ở Hàn Quốc là khoảng 1.175 và ở Mỹ là 1.740.

Mặc dù năng lực xét nghiệm của Ấn Độ là chưa đủ lớn, ông Srinath Reddy (Chủ tịch Quĩ Y tế Cộng đồng Ấn Độ) cho rằng các bác sĩ có thể đang tiếp nhận hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh vừa và nghiêm trọng.

Nếu số ca nhiễm COVID-19 không qua xét nghiệm tăng đột biến thì các bệnh viện đã đông nghẹt bệnh nhân và các triệu chứng tương tự cúm sẽ gia tăng trong cộng đồng, ông Reddy nói.

Đến nay, chưa có dấu hiệu nào chứng thực hai khả năng trên. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 gây ra các triệu chứng vượt xa triệu chứng cúm thông thường.

Trên thực tế, Ấn Độ có thể có nhiều ca tử vong hơn?

Ngay cả chưa có đại dịch, chỉ có khoảng 22% số ca tử vong ở Ấn Độ được xác nhận bởi các cơ quan y tế. Điều đó có nghĩa là, trong phần lớn trường hợp tử vong, nguyên nhân chính thức của cái chết không được bác sĩ chứng nhận.

Theo CNN, đã có bằng chứng cho thấy một số trường hợp tử vong không được thống kê.

"Nếu lịch sử dịch tễ của một người cho thấy họ từng có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, chúng tôi sẽ xử lí tử thi tương tự cách chúng tôi làm với bệnh nhân nhiễm COVID-19", một bác sĩ nội trú tại một trong các bệnh viện trung ương lớn ở Mumbai, cho hay.

Dù ổ dịch Ấn Độ tương đối nhỏ thì đây vẫn chưa phải lúc ăn mừng, CNN viết.

Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh khả năng có thể xảy ra khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 3/5, liệu số ca nhiễm sẽ lại tăng vọt hay lệnh phong tỏa đã chứng tỏ hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh.

"Ấn Độ đã tạm thời kìm hãm đại dịch. Nhưng vấn đề bây giờ là chúng ta không thể duy trì chiến thắng đó mãi được", ông Ooen Kurian - thành viên cấp cao tại Quĩ Nghiên cứu Quan sát viên, nhận định.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.