|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đạm Cà Mau ước lãi 377 tỷ nửa đầu năm, muốn thực hiện M&A trong năm nay

10:37 | 14/06/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo Đạm Cà Mau ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm lần lượt giảm 18% và 85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban chủ toạ buổi họp. (Ảnh: Đạm Cà Mau).

Ngày 12/6, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Số lượng cổ đông tham dự buổi họp đại diện cho 80,71% lượng cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. 

Kế hoạch lợi nhuận giảm 68% 

Tại cuộc họp, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2023 với tổng doanh thu 13.458 tỷ đồng (doanh thu thuần, doanh thu tài chính, thu nhập khác) và lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 68% so với kết quả năm 2022.  

Mục tiêu năm nay công ty sản xuất 882.000 tấn ure quy đổi, 160.000 tấn NPK. Sản lượng kinh doanh dự kiến với ure là 760.000 tấn, các sản phẩm từ gốc ure là 100.000 tấn, NPK 160.000 tấn và phân bón tự doanh 211.000 tấn. 

Lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau. (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính và tài liệu họp ĐHĐCĐ).

Dự kiến giá Ure chạm cháy trong tháng 6 hoặc tháng 7

Trong năm 2023, lãnh đạo Đạm Cà Mau kỳ vọng giá urê sẽ giảm từ mức đỉnh của năm 2022 và công ty sẽ tận dụng nhu cầu trong nước phục hồi do giá urê ở mức hợp lý.

Công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng mảng NPK và đa dạng hóa sản phẩm bao gồm phân bón hữu cơ, khí công nghiệp, hóa chất như một phần trong triển vọng tăng trưởng dài hạn.  

Ban lãnh đạo còn cho rằng triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 là không chắc chắn do phụ thuộc vào giá nông sản và điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, công ty đang cố gắng tăng sản lượng bán phân bón để bù đắp cho sự sụt giảm trong giá bán.

Dự kiến giá urê sẽ chạm đáy vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7/2023 trước khi phục hồi vào nửa cuối năm 2023. Lãnh đạo công ty cho biết giá urê quốc tế trung bình hiện là 285-290 USD/tấn và có thể tiếp tục giảm 15-20 USD/tấn trước khi tăng trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, trong kế hoạch đặt ra, công ty ghi nhận giá khí đầu vào dựa trên kịch bản kém khả quan nhất. Tuy nhiên, tỷ trọng khí thực tế mua từ Malaysia có thể thấp hơn giả định hiện tại, dẫn đến giá khí đầu vào giảm và từ đó sẽ hỗ trợ lợi nhuận của công ty vào cuối năm.  

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của El Nino đến nay là không quá nghiêm trọng với công ty. Tuy nhiên, dự kiến tác động sẽ nghiêm trọng hơn bắt đầu từ cuối năm 2023 đến năm 2024. Do đó, công ty đã tìm các khách hàng nước ngoài mà công ty có thể xuất khẩu để đảm bảo sản lượng bán hàng nếu sản lượng bán hàng trong nước yếu.

Ngoài kênh phân phối truyền thống (thông qua các đại lý), Đạm Cà Mau đang làm việc trực tiếp và ký kết hợp đồng dài hạn với các công ty như CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT).

Lãnh đạo công ty cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm nay với doanh thu đạt 6.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 85% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo cập nhật ĐHĐCĐ thường niên của Chứng khoán Vietcap (VCSC), lợi nhuận Đạm Cà Mau giảm mạnh do giá bán urê ước tính giảm 38% so với cùng kỳ và giá khí đầu vào cao hơn dự kiến.

Muốn M&A một dự án trong năm nay

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau có kế hoạch đầu tư dự kiến trong năm là 275 tỷ đồng, trong đó 86 tỷ đồng đến từ nguồn vốn chủ sở hữu và còn lại đến từ vốn vay, cùng nguồn khác. 

Năm nay, công ty có 2 dự án chuyển tiếp gồm Dự án Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Thạnh Hóa - PVCFC và Dự án Mở rộng mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm (02 line xuất hàng A/D); 2 dự án mới; 8 dự án chuẩn bị đầu tư và 1 dự án M&A.

Tổng mức đầu tư dự kiến của các dự án này (không gồm Dự án sản xuất Hydrogen xanh) là hơn 3.300 tỷ đồng.

 

Danh mục dự án của Đạm Cà Mau trong năm nay. (Nguồn: Đạm Cà Mau).

Tại đại hội, công ty cũng cho biết ước tính nhà máy urê sẽ hết khấu hao vào tháng 9. VCSC ước tính chi phí khấu hao của nhà máy urê năm nay sẽ giảm xuống còn 878 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ).

Hiện, Đạm Cà Mau vẫn chưa chốt chính sách khấu hao cho nhà máy NPK, nhưng công ty đang xem xét áp dụng phương pháp khấu hao nhanh với thời gian khấu hao là 10 năm. Công ty cho biết đã trả hết nợ gốc và lãi vay liên quan đến các khoản vay của nhà máy NPK.

Ban lãnh đạo cũng tự tin có khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất NPK khác mặc dù công ty là thương hiệu mới trên thị trường NPK. Bởi, công ty đã có mạng lưới phân phối urê đã được thiết lập và công ty sử dụng urê của mình để sản xuất NPK.

Công ty cũng đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm bao gồm phân bón hữu cơ, khí công nghiệp và hóa chất. Đạm Cà Mau đặt mục tiêu bắt đầu bán carbon dioxide (CO2) tinh khiết vào đầu năm 2024, đồng thời, sản xuất khí argon, hydro xanh, oxy và nitơ.

Ước tính những sản phẩm mới này có thể đóng góp 3.000-5.000 tỷ đồng vào doanh thu của công ty mỗi năm. 

Chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 30%

Bên cạnh đó, cổ đông cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 30%, tương ứng 3.000 đồng/cổ phiếu. Với, 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ phải chi 1.588 tỷ đồng trả cổ tức.

Công ty cũng dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 16%, tương ứng 1.600 đồng/cổ phiếu với số tiền dự chi là 847 tỷ đồng.

Ngoài ra, cổ đông cũng thông qua một số nội dung chính về sửa đổi, bổ sung Hợp đồng mua bán khí  mỏ PM3 CAA và Lô 46 -  Cái Nước với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo đó, tỷ trọng sản lượng khí đầu vào từ mỏ khí trong nước và khí mua từ Malaysia được thay đổi từ tỷ trọng cố định lần lượt là 90% và 10% sang tỷ trọng linh hoạt và sẽ được PVN quyết định vào cuối năm.

Đạm Cà Mau cho biết trong kịch bản kém khả quan nhất, tỷ trọng sản lượng khí từ mỗi nguồn là 50%-50%.

Đăng Nguyên