|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần 'buông' ngân hàng 0 đồng

16:05 | 13/03/2017
Chia sẻ
Đẩy mạnh tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng là mục tiêu được ngành ngân hàng đặt ra trong năm nay. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, mua lại ngân hàng 0 đồng chỉ là giải pháp nhất thời để tránh sự đổ vỡ, tác động lên toàn hệ thống và đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần “buông” các ngân hàng này để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại cổ phần, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. 
da den luc ngan hang nha nuoc can buong ngan hang 0 dong
Oceanbank là một trong ba ngân hàng yếu kém được NHNN mua lại với giá 0 đồng

Nhìn lại năm đầu tiên của kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, ông có nhận xét gì?

Giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn đã tác động mạnh đến hệ thống ngân hàng thương mại và hoạt động của ngành. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, lạm phát tăng cao, lãi suất trên thị trường cũng dao động từ 19 - 20%/năm. Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, yếu kém có nguy cơ mất thanh khoản. Nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao trong năm 2012.

Trong bối cảnh đó, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng đòi hỏi làm thế nào để tránh được sự đổ vỡ của hệ thống. Đến năm 2016, quá trình tái cấu trúc ngành đã đạt được những kết quả cơ bản như: không có sự đổ vỡ xảy ra, kiểm soát được lạm phát và đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng như mua lại một số ngân hàng âm vốn chủ sở hữu với giá 0 đồng… Đồng thời, nợ xấu của toàn ngành ngân hàng nói chung và từng nhà băng nói riêng được kiểm soát về dưới mức an toàn 3% vào cuối 2015.

da den luc ngan hang nha nuoc can buong ngan hang 0 dong
TS. Trần Du Lịch

Nói như vậy có nghĩa là nợ xấu hiện nay không còn là mối lo lớn của ngành ngân hàng, thưa ông?

Tuy đã được kiểm soát, nhưng bài toán xử lý nợ xấu mới đi được một nửa chặng đường. Một nửa chặng đường còn lại là phải giải quyết được căn cơ vấn đề nợ xấu, trong khi hiện nay có không ít khó khăn và rào cản. Đặc biệt là rào cản trong việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ, thủ tục khá rườm rà và mất thời gian. Đó là những vấn đề được ngành ngân hàng đặt trọng ra năm nay và trọng tâm của mục tiêu trong tái cấu trúc ngành năm 2017.

Trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 có 5 mục tiêu chính, trong đó có mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng mà mục tiêu căn cơ nhất chính là xử lý nợ xấu.

Riêng với giải pháp xử lý nợ xấu qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), tính chung, kể từ khi đi vào hoạt động tới nay, VAMC đã mua nợ xấu từ 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc là 264.755 tỷ đồng đến cuối năm 2016. Tổng giá trị trái phiếu đặc biệt đã phát hành để mua nợ xấu là 230.319 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu VAMC xử lý được rất ít. Do đó, nhiệm vụ đặt ra với với các ngân hàng hiện nay là phải tăng trích dự phòng rủi ro. Song thực tế, không phải nhà băng nào cũng đủ năng lực để thực hiện dự phòng đầy đủ.

Vậy theo ông, giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nợ xấu ngân hàng là gì?

Muốn giải quyết được căn cơ về nợ xấu, trước hết, cần giải quyết những rào cản trong xử lý tài sản đảm bảo. Đồng thời, cần hình thành thị trường mua – bán nợ.

Để làm được điều này, trước hết cần có một đạo luật để giải quyết tất cả những rào cản đang tồn tại trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.

Hiện nay có một vấn đề vướng mắc của các ngân hàng, cần sớm được tháo gỡ. Đó là ngân hàng muốn bán tài sản đảm bảo thì phải thỏa thuận với con nợ. Trong trường hợp không thỏa thuận được giá sẽ không bán được. Tài sản đã đưa ra thế chấp, lẽ ra khách hàng phải chấp nhận theo cơ chế thị trường.

Các thủ tục phát mãi tài sản cần được đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Chính vì khó khăn nên việc xử lý nợ xấu nên các ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro cao…

Thực tế, vấn đề khó khăn nhất trong xử lý nợ xấu mà thời gian qua các ngân hàng thương mại không có hướng ra là phát mãi tài sản. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với mục tiêu sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính phát mãi tài sản đảm bảo, tăng quyền cho chủ nợ để đẩy nhanh việc phát mãi tài sản đảm bảo, khắc phục tình trạng trì trệ trong phát mãi tài sản do thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần tập trung xử lý là tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản. Bất động sản ấm lên thì việc xử lý tài sản đảm bảo cũng nhanh hơn, quá trình giải quyết bài toán nợ xấu mới được đẩy nhanh.

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc, trong đó 3 ngân hàng 0 đồng theo ông có khả thi?

Đối với việc đẩy mạnh tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng cũng là mục tiêu được ngành ngân hàng đặt ra năm nay và tôi cho rằng, điều đó là hết sức cần thiết. Vì sau một thời gian mua về và chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tham gia hỗ trợ thì đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng nên “buông” các ngân hàng 0 đồng, để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua lại cổ phần để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nhà băng này.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều rằng, rõ ràng, giải pháp mua lại 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, CBank, GPBank) chỉ là nhất thời để cứu cho các ngân hàng trên tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ, tác động xấu đến toàn hệ thống, nhưng đến một lúc nào đó, cần phải có phương án giải quyết.

Thùy Vinh