Ban hành quy định xử lý rút gọn tranh chấp liên quan đến TSBĐ theo Nghị quyết 42
Cần sự đồng bộ để Nghị quyết về xử lý nợ xấu thực sự phát huy tác dụng |
Ngày 15/5/2018, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSĐB) của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018 đến 15/8/2022.
Ban hành quy định về xử lý rút gọn tranh chấp liên quan đến TSBĐ theo Nghị quyết 42
Theo đó, tranh chấp nghĩa vụ giao TSĐB là tranh chấp về việc bên bảo đảm, bên giữ TSBĐ của khoản nợ xấu không giao TSBĐ hoặc giao không đúng theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, bên có quyền xử lý TSBĐ để xử lý tài sản đó nhằm giải quyết nợ xấu. Tranh chấp quyền xử lý TSĐB của khoản nợ xấu là tranh chấp về việc xác định người có quyền xử lý TSĐB của khoản nợ xấu.
Về thỏa thuận nghĩa vụ giao TSĐB của khoản nợ xấu, tranh chấp “không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài”, Nghị quyết hướng dẫn thỏa thuận này có thể được ghi nhận trong hợp đồng bảo đảm, phụ lục hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác có hiệu lực như hợp đồng.
Về đơn khởi kiện, nộp đơn và thụ lý đơn khởi kiện, Nghị quyết 03 quy định hình thức, nội dung đơn khởi kiện thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định tài liệu kèm theo đơn khởi kiện bao gồm: (i) Hợp đồng tín dụng; (ii) Tài liệu, chứng cứ chứng minh khoản nợ đang có tranh chấp là nợ xấu theo quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 42/2017/QH14; (iii) Văn bản, hợp đồng bảo đảm và tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc đã đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm; (iv) Tài liệu, chứng cứ về nơi cư trú, làm việc của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức.
Về thủ tục rút gọn, Nghị quyết 03 quy định Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự có liên quan và hướng dẫn của Nghị quyết 03 để giải quyết các tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu theo thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42 mà TSBĐ đó là tài sản của vợ chồng đang trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân thì Tòa án có thể tách yêu cầu của đương sự đó để giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục rút gọn
Điều kiện thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Để hướng dẫn cụ thể về TSĐB đủ điều kiện để TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được quyền thu giữ theo quy định tại Nghị quyết 42, Nghị quyết 03 quy định như sau:
Thứ nhất, trường hợp TSĐB của khoản nợ xấu là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.
Thứ hai, trường hợp TSĐB của khoản nợ xấu là tài sản của bên thứ ba mà bên được bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm đó và xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật.
Khi nào được chuyển tiếp các vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu?
Để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, Nghị quyết 03 quy định chuyển tiếp trong 03 trường hợp.
Thứ nhất, đối với những vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu mà Tòa án đã thụ lý trước khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết. Các hoạt động tố tụng đã được tiến hành trước khi Nghị quyết này có hiệu lực mà phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không phải thực hiện lại.
Thứ hai, đối với những vụ án tranh chấp về xử lý nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu mà Tòa án đã thụ lý trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng vẫn đang giải quyết khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành thì Tòa án vẫn tiếp tục áp dụng những hướng dẫn của Nghị quyết này để giải quyết.
Thứ ba, đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp kháng nghị vì lý do khác.
Bên cạnh các nội dung cơ bản trên đây, Nghị quyết 03 cũng quy định về việc uỷ quyền khởi kiện, tham gia tố tụng; kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và nguyên tắc áp dụng pháp luật, theo đó, trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị quyết này và Nghị quyết khác hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự về cùng một vấn đề thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này.