|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm, Agribank là quán quân nợ xấu

12:26 | 02/08/2022
Chia sẻ
Số dư nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 khi tăng trưởng tín dụng đạt ở mức cao. Agribank hiện là ngân hàng dẫn đầu về số dư nợ xấu trong khi NCB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.

Nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm

Áp lực tiếp tục gia tăng trong quý II khiến số dư nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Theo khảo sát của người viết từ báo cáo tài chính các ngân hàng đã công bố, tổng số dư nợ xấu của 27 ngân hàng tính đến thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm là 150.232 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Phần lớn ngân hàng trong đều có xu hướng nợ xấu tăng sau 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng Quốc dân là nhà băng có sự gia tăng đột biến về nợ xấu tăng từ 1.249 tỷ đồng lên 4.900 tỷ đồng, tương đương tăng gấp hơn 3 lần.Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng vọt từ 3% vào cuối năm ngoái lên 11,05% khi kết thúc nửa đầu năm nay, đây cũng là con số tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống tính tới thời điểm hiện tại.

Số dư nợ xấu tại các ngân hàng như MB, SHB, OCB đều tăng gấp rưỡi trong nửa đầu năm, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng này vẫn duy trì ở mức dưới 2%.

Số dư nợ xấu các ngân hàng cuối quý II/2022

 Nguồn: Huyen Vi tổng hợp.

Xét về số dư tuyệt đội, Agribank hiện là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 64,6% nợ xấu với 19.375 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ 1,87% vào cuối năm ngoái lên 2,16% khi kết thúc nửa đầu năm.

 Chi tiết các nhóm nợ của Agribank. (Nguồn: BCTC Agribank).

Tiếp sau đó là VPBank với số dư nợ xấu hợp nhất cuối tháng 6 là 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm với tỷ lệ nợ xấu tăng lên trên 5%. Nguyên nhân phát sinh nợ xấu chính là nhóm dư nợ thuộc công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Nếu xét riêng tại ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu chỉ ở mức hơn 8.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,83% trong khi dư nợ tại đây chiếm 80% tổng dư nợ hợp nhất.

Đứng thứ ba là VietinBank với số dư nợ xấu là 16.667 tỷ đồng, tăng 33,4% với tỷ lệ nợ xấu cũng tăng nhẹ từ 1,11% lên 1,35%. Một “ông lớn” khác xếp ngay sau đó là BIDV có số dư nợ xấu tăng 11,8% lên 15.140 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1% lên 1,05%. Trong khi đó Vietcombank có số dư nợ xấu tăng 9,4% lên 6.694 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 0,64% xuống 0,61%.

 (Nguồn: Huyen Vi tổng hợp)

Ở chiều ngược lại, có 7/27 ngân hàng khảo sát có dư nợ xấu giảm sau 6 tháng có thể kể đến như: Sacombank, HDBank, MSB, Viet A Bank, PG Bank, Nam A Bank và Bac A Bank. 

Vì sao nợ xấu lại tăng nhanh, sẽ ảnh hưởng ra sao đến lợi nhuận ngân hàng?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý đầu năm một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Các khoản nợ tái cơ cấu này có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi Thông tư 14 hết hạn (ngày 30/6/2022).

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến số dư nợ xấu tăng. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35%, đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,47%. Cùng với đó, đã có tới hơn 709.000 tỷ đồng dư nợ đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Vào cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 và được dự báo sẽ trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam năm 2022.

Phát biểu tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm”, TS. Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. 

 “Mặc dù hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 đã hết hiệu lực. Nếu như thông tư này không được gia hạn thì những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm. Như vậy thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Tại talkshow “Chọn danh mục kỳ 12: Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân Yuanta Việt Nam cho biết Thông tư 14 không còn hiệu lực, về khả năng dự phòng, với các ngân hàng đã xử lý trong 2021 thì nợ cơ cấu giảm, nhưng cơ bản thì vẫn tăng 5% so với cùng kỳ vì tỷ lệ bao phủ nhiều ngân hàng đang thấp so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, ảnh hưởng của nợ xấu sẽ có sự phân hoá tại các ngân hàng. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, bộ đệm dự phòng dày sẽ ít chịu rủi ro hơn nhóm còn lại.

Nợ xấu tăng khiến các ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng nhiều hơn, ảnh hưởng tới lợi nhuận trong kỳ. Theo kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Theo nhận định của chuyên gia tại Chứng khoán Yuanta Việt Nam, lợi nhuận ngành ngân hàng vào năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng. Điều này sẽ làm giảm con số lợi nhuận. 

Huyen Vi