|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực nợ xấu gia tăng trong những tháng cuối năm

11:00 | 14/07/2022
Chia sẻ
Việc Thông tư 14 hết hiệu lực từ ngày 30/6 dấy lên lo ngại về áp lực nợ xấu gia tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt kể từ quý III. Tuy nhiên áp lực này cũng có tính phân hóa giữa các ngân hàng.

 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: VnEconomy).

Nợ xấu đáng lo ngại trong những tháng cuối năm

Thông tư 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã hết hiệu lực từ ngày 30/6. Chiếc van trì hoãn việc ghi nhận nợ xấu không còn sẽ tạo một áp lực lớn đến các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm 2022. 

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm từ 2,34% từ năm 2017 xuống còn 1,4% tính đến hết quý I/2022 nhưng việc Thông tư 14 đã hết hiệu lực sẽ khiến cho những khoản nợ lẽ ra không phải chuyển nhóm sẽ phải chuyển nhóm, như vậy nợ xấu đương nhiên sẽ tăng. 

Chuyên gia lo ngại áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu, đặc biệt là kể từ quý III/2022. “Nợ xấu sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022 và tăng mạnh hơn những năm tiếp theo nếu hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu không kịp ban hành. Nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% trong năm 2022”, ông Lực nhận định.

Cùng với đó nợ xấu gộp (bao gồm cả nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại, được dự báo ở mức khoảng 6%.  

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong quý 1/2022, nguyên nhân một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng quý I tăng lên 1,42% (chưa bao gồm các khoản nợ tái cơ cấu do COVID-19) và có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi Thông tư 14 hết hạn, theo số liệu của FinnGroup. Kết thúc quý I/2022, theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất, tổng số dư nợ xấu của 27 ngân hàng khảo sát đã tăng 11% so với cuối năm trước với hơn 109.600 tỷ đồng.

 Theo dõi các khoản vay có rủi ro qua các năm. (Nguồn: VNDirect Research)

Đồng quan điểm trên, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset cũng lưu ý các khoản nợ xấu của ngân hàng có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 do kết thúc các thông tư về tái cơ cấu các khoản nợ. Thậm chí, Mirae Asset còn cho rằng khoảng 50% tổng các khoản nợ tái cơ cấu sẽ có khả năng cao trở thành nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều chuyên gia lo ngại việc nợ xấu tăng,khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng năm 2022.

"Năm 2021, ngân hàng duy trì lãi lớn là do chưa trích lập dự phòng đầy đủ và biên lợi nhuận được kéo rộng. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng huy động chậm dần, kéo theo biên lợi nhuận buộc phải thu hẹp. Do đó, những ngân hàng nào chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ có thể báo lợi nhuận lớn hôm nay, nhưng giảm lợi nhuận trong tương lai vì phải xử lý nợ xấu", ôngTS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Áp lực trích lập dự phòng phân hoá giữa các nhà băng

Trên thực tế, các ngân hàng đều đã có những đánh giá nhất định về rủi ro nợ xấu và phương án ứng phó của riêng mình. Trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào, các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng với các khoản nợ tái cơ cấu.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết các ngân hàng vào cuối năm 2021. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, tương đối đầy đủ đối với các khoản nợ tái cơ cấu thay vì mức 30% như quy định. 

Theo khảo sát, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại niêm yết (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã đạt 150%, mức cao nhất từ trước tới nay trong năm 2021.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, nhận định về tổng thể không phải 100% số nợ đều trở thành nợ xấu, tuy nhiên vẫn sẽ khiến cho trích lập dự phòng của khối ngân hàng trong hai năm tới tăng lên. Tuy nhiên đây là câu chuyện mang tính phân hóa, những ngân hàng tốt và lành mạnh vẫn sẽ trích lập dự phòng trước. 

Tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng (LLR) của Vietcombank ở mức cao kỷ lục, đạt 424% vào cuối năm 2021 và duy trì trên mức 400% đến cuối quý I/2022. Tỷ lệ này được các chuyên gia của VCBS dự báo ở mức 373% trong nửa cuối năm nay, cao nhất trong các ngân hàng.

Áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng trong quý I/2022 vẫn ở mức cao, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục cho đến hết năm 2022.

Bên cạnh việc tăng trích lập dự phòng, theo chuyên gia TS Cấn Văn Lực, việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý đóng vai trò quan trọng. Chuyên gia cho rằng nếu không luật hoá Nghị quyết 42 thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, từ đó gây khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. 

 Nguồn: Huyền Vi tổng hợp.

Huyen Vi

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.