|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu và sở hữu chéo các ngân hàng ra sao sau một năm áp dụng Nghị quyết 42?

17:58 | 28/08/2018
Chia sẻ
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu khả quan nhưng quá trình xử lý nợ xấu, sở hữu chéo vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp yêu cầu sự "đồng lòng" của tất cả các bên có liên quan, không còn là vấn đề riêng của ngân hàng. 
no xau va so huu cheo cac ngan hang ra sao sau mot nam ap dung nghi quyet 42 Phân hóa nợ xấu ngân hàng sau 6 tháng đầu năm 2018
no xau va so huu cheo cac ngan hang ra sao sau mot nam ap dung nghi quyet 42 Tính đến 30/6, VAMC đã xử lý được hơn 310 nghìn tỷ nợ xấu

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 về xử lý nợ xấu với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Xử lý được gần 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết mặc dù mới áp dụng được một năm nhưng hai văn bản trên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

no xau va so huu cheo cac ngan hang ra sao sau mot nam ap dung nghi quyet 42
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh (Ảnh: DB)

Tính đến ngày 30/6/2018, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6/2018 là 2,09%, giảm so với con số 2,46% tại cuối năm 2016. Tỷ lệ an toàn vốn hệ thống đạt 12,27%, tỷ lệ dự trữ thanh toán là 18,8%, về cơ bản các TCTD đảm bảo yêu cầu về các chỉ tiêu an toàn hoạt động của NHNN.

Tuy nhiên, dự phòng rủi ro vẫn là nguồn xử lý nợ chủ yếu, chưa có thị trường mua bán nợ, việc mua bán nợ chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Nhiều khoản nợ xấu có nguồn gốc là từ các khoản đầu tư cơ bản, nợ đọng từ Ngân sách Nhà nước khó xử lý.

Sở hữu chéo giảm mạnh, tái cơ cấu khẩn trương

Phó Chánh Thanh tra giám sát NHNN ông Trần Đăng Phi cho biết việc xử lý sở hữu chéo đã đạt được một bước quan trọng, tình trạng cổ đông sở hữu cổ phần chi phối đã được kiểm soát.

Về tình hình thoái vốn đầu tư và sở hữu chéo, NHNN cho biết các NHTM có vốn nhà nước đã bán 8 doanh nghiệp thu về 1.290 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2018, số cặp sở hữu chéo trực tiếp từ 7 (năm 2012) xuống 1 cặp; sở hữu trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm còn 2 ngân hàng cổ phần với 2 cặp sở hữu, trong khi có tới 56 cặp tại tháng 6/2016.

no xau va so huu cheo cac ngan hang ra sao sau mot nam ap dung nghi quyet 42
Phó Chánh Thanh tra giám sát ông Trần Đăng Phi (Ảnh DB)

Báo cáo trong hội thảo cũng cho biết hầu hết các phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được NHNN phê duyệt. Bao gồm 3/4 ngân hàng có vốn Nhà nước, 10 ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, 19/28 ngân hàng thương mại cổ phần cùng 11 công ty tài chính.

Các ngân hàng sau tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập như Sacombank, MaritimeBank, PVcomBank, SHB đang trong quá trình khắc phục triệt để tồn tại. Đối với 3 NHTM mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, NHNN đã khẩn trương xây dựng phương án tái cơ cấu, công tác tái cơ cấu đã đạt được kết quả bước đầu. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng này hoàn thành phương án chi tiết để có thể triển khai ngay khi phương án cơ cấu lại được duyệt.

Ngoài những vấn đề tích cực, báo cáo của cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cũng cho thấy một số TCTD vẫn vi phạm một số quy định của NHNN về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; vi phạm quy định về lãi suất huy động, thông qua công ty trung gian để tăng lãi suất, chi lãi ngoài trái quy định; vi phạm về quản trị điều hành, HĐQT, HĐTV còn tham dự vào quyền của ban điều hành, quyền lực tập trung vào một số cá nhân; tình trạng sở hữu chéo chưa xử lý triệt để;...

Nhiều "rào cản" cho xử lý nợ xấu

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn các ngân hàng còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, quy định không sử dụng NSNN để cấp vốn cho các NHTM Nhà nước và nội dung bổ sung vốn cho NHTM Nhà nước không có trong mục đầu tư công.

Thứ hai, theo Nghị định 32 (8/3/2018) về đầu tư vốn nhà nước thì việc chuyển nhượng vốn NHTM mua bắt buộc phải gắn với phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay phương án xử lý lại 3 ngân hàng mua bắt buộc chưa được phê duyệt nên chưa thực hiện được phương án chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp.

Thứ ba, việc cơ cấu lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng hoặc các bộ ngành chủ quản. Do vậy việc cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng yếu kém có chủ sở hữu cổ đông lớn là các công ty nhà nước còn chậm chạp.

Thứ tư, nhiều vấn đề cố hữu của nền kinh tế chưa được cải thiện, tiềm ẩn nguy cơ làm nợ xấu gia tăng, tạo áp lực trích lập dự phòng cũng như tiến độ xử lý nợ xấu.

Thứ năm, thu giữ tài sản gặp khó khăn do khách hàng không hợp tác, các cơ quan chức năng chưa phối hợp một cách tích cực. Bộ phận thi hành án và cơ quan thuế chưa thực hiện theo thứ tự thanh toán của Nghị quyết 42 do chưa được hướng dẫn cụ thể. Do đó, chưa thực hiện được việc sang tên cho người mua tài sản.

Thứ sáu, xử lý vụ án về tài sản còn kéo dài đặc biệt khi có tình tiết phát sinh mới hoặc một trong các bên phá sản.

Thứ bảy, không có dữ liệu trích xuất các tài sản đang được kê biên xử lý để các ngân hàng tham khảo.

Thứ tám, các cơ quan có liên quan thiếu sâu sát trong quá trình phối hợp xử lý nợ xấu do cho đây là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng.

Qua đó, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các doanh nghiệp đặc biệt là các DNNN để lành mạnh hoá hệ thống. Đồng thời, có văn bản gửi TAND tối cao về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo trong các vụ án sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ, mở rộng thủ tục rút gọn. Đặc biệt, cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn bằng nhiều hình thức.

NHNN đề nghị thành lập tổ công tác liên ngành để tăng cường sự phối hợp giữa các bên có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu, giúp cho việc xử lý được nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, cần định hướng cơ cấu lại các DNNN, các TCTD phi ngân hàng nợ xấu liên quan đến các chương trình đầu tư cơ bản, nợ đọng của nhà nước, nợ theo các chương trình có bảo đảm của Nhà nước tránh phát sinh nợ xấu.

Xem thêm

Diệp Bình