'Cuộc chiến Vinasun - Grab cho thấy tâm thế chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0'
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). |
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tại Quốc hội ngày 26/10, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát, tuy nhiên vấn đề đặt ra là tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào?
"Cuộc chiến giữa Vinasun và Grab chưa đi đến hồi kết thì Hiệp hội Truyền hình phản đối Facebook phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam… đã cho thấy tâm thế chưa sẵn sàng của chúng ta", ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, trái với những lạc quan của chúng ta, báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại 100 quốc gia cho thấy, Việt Nam đứng thứ 70 về nhân lực, thứ 90 về đổi mới công nghệ sáng tạo, thứ 77 về năng lực sáng tạo. Mới đây nhất, báo cáo Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin thứ 95/100.
“Chúng ta không nên bi quan nhưng cũng thật khó để lạc quan, thế giới không đứng yên để ta chuyển động bằng vai phải lứa, thời cơ được chia đều cho mọi quốc gia”, ông Nhân nói.
Cũng theo vị đại biểu, phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia, giàu có tài nguyên không có ý nghĩa nhiều trong cuộc cách mạng số. Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, sự rục rịch hồi hương của FDI làm lao động giá rẻ không còn ý nghĩa, chính sách thu hút khó còn tác dụng.
Cũng nói về cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là quá trình biến đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua, bán sang thuê, cung cấp dịch vụ hay còn gọi là nền kinh tế như dịch vụ.
"Ví dụ như Amazon, Alibaba, Uber là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp mọi thứ dịch vụ được hình thành", ông nói.
Dẫn thông tin từ sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2017, đại biểu thành phố Hà Nội cho hay, nước ta trong thời gian qua, cả ba lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin đều có sự tăng trưởng, trong đó năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ USD, chiếm 88%; công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ USD, chiếm 5,58% và dịch vụ công nghệ thông tin là 5.07 tỷ USD, chiếm 6,42 %.
"So với ngành công nghiệp ô tô, được coi là ngành rất nóng của năm 2016, tổng doanh thu là 3,7 tỷ USD thì ngành công nghệ thông tin có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ô tô. Mặc dù vậy, so với trình độ phát triển công nghệ thông tin của thế giới, công nghệ thông tin của nước ta đang tụt hậu xa, chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế - xã hội hay trong điều hành Chính phủ", ông Bình nói.
Tuy nhiên, vị đại biểu cũng thừa nhận, dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn về công nghệ thông tin nhưng trong thực hiện còn rất nhiều bất cập.
Ông Bình cho rằng, cần khai thác một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để chiếm lĩnh những mặt tiền kinh doanh và thu hút đầu tư. Hiện nay việc ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 không đòi hỏi phải đạt đến trình độ nhất định mới triển khai và có thể áp dụng ngay trong chừng mực nhất định.
"Uber hay Grab là những ví dụ dễ thấy, nhà thông minh, chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh cũng là ứng dụng chứng minh sự phổ biến. Khai thác thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 thực tế còn là cách tạo ra đột phá trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, áp dụng Internet kết nối vạn vật trong phát triển nông nghiệp thông minh tạo những bước nhảy vọt trong nông nghiệp nếu so sánh với tập quán canh tác truyền thống của chúng ta", ông nói thêm.